Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”, nhằm góp thêm ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật, sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hoá, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hoá của đất nước. Khi xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi nhằm làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ, dành riêng Điều 21 trong Dự thảo Luật cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Đồng thời, các Điều 39, 41, 43 có những ưu đãi về văn hoá, thể thao. Điều này thể hiện, Hà Nội quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hóa, và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản văn hóa, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển văn hóa trong thực tiễn.
Cụ thể như, trong Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, cũng đưa vấn đề văn hóa vào. Trên thực tế, những vấn đề đang đặt ra với các thiết chế văn hóa Hà Nội, như bảo tàng, thư viện… đang có những vướng mắc về quản lý tài sản công.
Cụ thể, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, hiện có nhiều quy định khiến cho nhiều đơn vị có tiềm năng nhưng bị bó buộc, không thoát khỏi “vòng kim cô” của luật pháp.
Hay như quy định về ưu đãi đầu tư trong Điều 43, chúng ta sẽ có những ưu đãi dành cho những lĩnh vực đột phá, không chỉ cho Thủ đô mà còn cả nước. Như trong lĩnh vực văn hóa, trong Luật Đầu tư chỉ quan tâm đến một vài lĩnh vực, thì lần này, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta mở rộng cho cả 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cố gắng tháo gỡ các rào cản pháp lý, để từ đó phát triển văn hóa. Từ phát triển văn hóa, lan tỏa đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Các khách mời phát biểu tại Tọa đàm. |
“Chúng ta đã chứng kiến những hiệu quả kinh tế xã hội đến từ lĩnh vực văn hóa rất nhiều trong thời gian qua. Như sự kiện Black Pink biểu diễn tại Hà Nội, đã lan tỏa và ước tính đem về 600 tỷ đồng cho Hà Nội vào năm ngoái; hay trường hợp Taylor Swift lưu diễn 6 đêm ở Singapore, đã đem lại lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng cho đất nước này.
Hà Nội có đầy đủ các lợi thế, nhưng chúng ta đang bị các rào cản pháp lý khiến chưa “bung tỏa”, phát triển được. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi Luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Tạo cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa
Ông Trương Minh Tiến – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội có thêm các cơ chế, chính sách mới, thậm chí là cơ chế, chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô.
Từ góc nhìn của người làm công tác quản lý, bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, những quy định mới và điểm ưu đãi, vượt trội dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chính là sự tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của thành phố Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Ảnh minh họa: Phương Ngân. |
Ngoài 12 nhóm ngành chung, Hà Nội còn quan tâm nhóm ngành ẩm thực – nhóm ngành đã được UNESCO đưa vào là một lĩnh vực được công nhận và vinh danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được coi là trung tâm của cả 13 lĩnh vực này.
Có thể thấy, hiện nay các không gian sáng tạo ở khối doanh nghiệp, hay tư nhân đang rất trông chờ những ưu đãi về hợp tác công – tư, về thuế… Chẳng hạn, mới đây, các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ đã phối hợp những cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phát động Cuộc thi về ý tưởng thiết kế không gian văn hóa khu vực bãi giữa sông Hồng…
Theo TS Bùi Hoài Sơn, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng.
Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm. Trong chủ trương của chúng ta, Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết thôi, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết…