Đối thoại với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Công nhân muốn được mua nhà ở xã hội

Ngày 23/5, tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, UBND thành phố Hà Nội và LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024.

ub4.jpg
Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Phạm Quang Thanh – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và sự tham gia của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng 300 công nhân lao động đại diện cho 3 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ

Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, trong gần 2 tháng qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã phát hành phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động thông qua các Công đoàn cơ sở.

Ban tổ chức hội nghị đã tiếp nhận được trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp cho thấy công nhân, lao động quan tâm nhất đến vấn đề nhà ở.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Huy Khánh cho biết, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, người lao động. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Hiện nay, TP có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất – Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ. Các Khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do vậy khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao…

Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao động, tại 20.794 doanh nghiệp; với số tiền hơn 194 tỷ đồng…; Chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các Khu công nghiệp, như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước… Vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại các nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho người lao động.

Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nghị chính là dịp để trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các KCN&CX của Thành phố.

Công nhân đề nghị xem xét thêm các dự án nhà ở xã hội

Chia sẻ tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm) cho biết: Sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều KCN, có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ. Do đó, anh Nam đề nghị, TP xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Cùng mong muốn đó, anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần Kết cấu thép Bình Phú) đề nghị, TP sớm ban hành thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, như việc giao đất, quyền lợi ưu đãi chủ đầu tư, xác định đúng đối tượng được mua.

Chị Nguyễn Thị Huyền – giáo viên Trường THCS Cổ Đông chia sẻ, hiện nay Liên đoàn Lao động TP đã có quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Đề nghị, UBND TP chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội TP triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với công nhân lao động trên địa bàn để vay mua nhà, xây sửa nhà ở.

Chị Huyền cũng đặt câu hỏi: Công nhân lao động có thể tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi nào từ TP? Thủ tục cho vay vốn có điều kiện và có được linh hoạt về thời gian không? Đề nghị UBND TP tạo điều kiện và hướng dẫn để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Đại diện công nhân lao động Khu công nghiệp Thăng Long đề nghị thành phố sửa chữa nâng cấp 9 khu nhà ở công nhân (tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho công nhân thuê trọ.

Công nhân lao động cũng kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ công nhân lao động trong các Khu công nghiệp và chế xuất. Thành phố cần quan tâm cho con công nhân lao động có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, đặc biệt là cấp trung học phổ thông…

Về vấn đề thực hiện chính sách đối với công nhân lao động, đại diện công nhân lao động cho rằng thành phố cần đảm bảo các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, việc làm cho người lao động, hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Giải đáp những thắc mắc của công nhân lao động về vấn đề nhà ở, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hiện có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hà Nội đã trình xây dựng 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung. Với tổng 58 dự án, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.

Đối với huyện Gia Lâm, hiện đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi, với quy mô 22ha đang trình phê duyệt. Sau khi phê duyệt sẽ được triển khai đưa nhà ở xã hội vào phục vụ công nhân lao động. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, có những ưu đãi và trả tiền linh hoạt; vấn đề vay vốn sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vấn đề lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng… UBND Thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và công nhân lao động tại các KCN nói riêng. Trong thời gian qua, Đảng, nhà nước, Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, Hà Nội triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân trong bối cảnh, mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng.

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm, đây là lỗi của Thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả cả quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhu cầu của công nhân lao động về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với cung ứng của Thành phố.

Vì vậy, UBND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động.Ngoài chính sách của Trung ương, sắp tới khi Luật Thủ đô được thông qua sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội.

Hội nghị đã tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực như: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…

Qua việc lắng nghe các ý kiến, đề xuất của công nhân lao động, vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay tại Hội nghị. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất và đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động, bởi điều đó chính là động lực để cho Thành phố phát triển./.

 

Văn Thiện

Đối thoại với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Công nhân muốn được mua nhà ở xã hội (nguoihanoi.vn)