Đến phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Tề (89 tuổi) cả khu phố không ai là không biết. Mọi người vẫn gọi gia đình bà là “hiếm có, khó tìm” ở Hà Nội khi 4 thế hệ cùng ở với nhau dưới một mái nhà. Không những vậy, những người trong gia đình bà Tề còn luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn tham gia phong trào ở địa phương.
Bà Tề và con dâu cả chia sẻ về cuộc sống gia đình khi có 4 thế hệ cùng sinh sống
Lấy chồng năm 16 tuổi, cả đời chưa một lần chồng nói nặng lời
Ngôi nhà số 24 Hàng Cân là nơi bà Tề cùng các con, cháu, chắt đang sinh sống. Dù đã ở ngôi nhà này gần 70 năm, nhưng bà không phải dân gốc phố cổ. Quê gốc của bà Tề cùng chồng là ông Nguyễn Viết Tường (đã mất) ở làng Cót (Cầu Giấy, Hà Nội).
Năm 16 tuổi, bà Tề lập gia đình và rồi sinh tất cả được 3 trai, 2 gái. Năm 1952, bà mới chuyển về ngôi nhà hiện nay để sinh sống. Lật từng trang abum đã nhuốm màu thời gian, bà Tề kể vanh vách lịch sử từng tấm ảnh. Đó là những bức ảnh có tuổi đời khoảng 60 năm, được chồng bà chụp và lưu giữ lại cho con cháu sau này.
Theo lời kể của bà Tề, chồng bà là người nghiêm khắc nhưng rất thương yêu vợ con. “Chồng tôi thích chụp ảnh lắm. Ông chỉ thích chụp ảnh vợ con thôi. Cứ chiều đến chồng tôi lại ra đứng đợi ở đầu làng để ghi lại cuộc sống đời thường của vợ”, bà Tề vừa nói vừa chỉ tay vào những tấm ảnh đen trắng ngày xưa.
Vợ chồng sống với nhau gần 60 năm nhưng ông Tường chưa bao giờ nặng lời với vợ, con 1 lần. Nếu có gì không nên không phải, ông thường nhắc nhở nhẹ nhàng vừa có tính răn đe, vừa giáo dục các con. Cả đời sống với nhau ông Tường chưa bao giờ nói hay xưng hô “mày-tao” với bất kể ai.
Đối với gia đình nhà vợ, ông Tường là người hết sức chu toàn. Thậm chí nhiều người không biết đó là con rể, cứ nghĩ ông là con trai trong nhà. “Mẹ đẻ tôi 101 tuổi thì qua đời. Khi đó nhiều người hàng xóm, thậm chí là bạn bè mới biết ông Tường là con rể. Từ trước họ nghĩ đó là con đẻ của mẹ tôi”, bà Tề kể.
3 con dâu sống chung dưới một mái nhà, ăn chung mâm hàng chục năm
5 người con của bà Tề có 2 con gái đi lấy chồng không ở cùng nhà, 3 người con trai dù đã lấy vợ nhưng tất cả đều sống chung với mẹ. Người con dâu cả năm nay 66 tuổi, đã làm dâu bà Tề được 46 năm. Suốt quãng thời gian đó chuyện mẹ chồng – nàng dâu chỉ có tiếng cười chứ chưa một lần xảy ra mâu thuẫn. Câu chuyện này đã được chính những người hàng xóm xác thực và họ tận mắt chứng kiến, tìm hiểu thì mới tin đó là sự thật.
Nhiều câu chuyện trong gia đình bà Tề nếu nói ra chắc ít người tin đó là sự thật. 3 người con dâu của bà Tề mỗi người đều có công việc, tính cách riêng nhưng trong gia đình họ luôn bảo ban nhau, coi nhau như chị em ruột.
Từ khi về làm dâu, cả 3 người thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm chung nồi, ngồi ăn chung mâm suốt mấy chục năm. Tiền ăn hàng ngày bà Tề thường để tiền vào một chiếc hộp ở trước tủ ngang phòng khách, các con dâu sẽ tự lấy tiền mua sắm mà không cần hỏi. Nếu người này đi chợ, người khác sẽ ở nhà nấu cơm, dọn dẹp. Ai bận không nấu cơm được thì sau đó sẽ đi rửa bát. Tất cả mọi việc diễn ra rất tự giác và không ai so bì về kinh tế, tỵ nạnh nhau về công việc.
Tính đến thời điểm này, bà Tề có trên 50 người con, cháu, chắt nội ngoại. Tuy nhiên, ở cùng với bà chỉ có các con trai và cháu chắt nội với tổng cộng khoảng gần 30 nhân khẩu.
Trước đây khi “quân số” vẫn ít, bữa ăn hàng ngày tập trung ở 1 mâm tròn. Sau đông dần thì đóng thêm 1 bàn ăn nữa nhưng vẫn không đủ được chỗ ngồi. Khi các cháu bà lớn lên đi học, gia đình phải chia ca, nếu ai đi học sẽ ăn trước cho kịp giờ, còn người lớn thì vẫn ngồi ăn cùng nhau.
“4 thế hệ ăn chung mâm, chung nồi hàng xóm họ cũng nói. Họ còn tưởng tôi ghê gớm quản lý con cháu nhưng đâu có phải. Nếp sống đang như vậy, tôi bảo các con ra ăn riêng tôi lại sợ các con cháu nghĩ mình đuổi nên cứ để mọi thứ thuận tự nhiên”, bà Tề nói.
Vài năm gần đây, khi các cháu nội của bà Tề lập gia đình riêng, con dâu cũng bận phụ trông cháu để các con còn đi làm ăn. Từ đó gia đình bà mới quyết định không ăn chung nồi, chung mâm để thuận tiện giờ giấc cho các thành viên trong gia đình.
Tuy không còn ăn chung nhưng hàng tháng cứ vào dịp giỗ Tết, sinh nhật, cả gia đình lại quây quần bên nhau, tập trung bên 2 chiếc mâm tròn thân thuộc, hàn huyên câu chuyện ngày xưa. Đặc biệt, ngày 30 Tết, dù ai bận bịu ra sao cũng bố trí về với gia đình, đứng trước ban thờ báo cáo với tổ tiên về 1 năm làm việc. Sau đó cả nhà cùng nhau dùng cơm, chào đón năm mới.
Mẹ là tấm gương, các chị em dâu không còn khoảng cách
Ngồi bên cạnh mẹ chồng, cô Nguyễn Thị Kim Quy chia sẻ, gần 50 năm làm dâu cô chưa từng nghe thấy bố mẹ chồng nặng lời với bất kể ai. “Được sống trong gia đình như thế này, chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng”, cô Quy nói.
Theo lời kể của cô Quy, dù tuổi đã cao nhưng khi các cháu lập gia đình, bà Tề vẫn cùng các con lo toan mọi việc. Hiện ngôi nhà 3 tầng của bà Tề đã cho thuê mặt tiền tầng 1 để bán hàng. Hàng tháng số tiền cho thuê cửa hàng bà chia công bằng cho gia đình các con. “Nếu ai có lương, con cái có kinh tế hơn thì mẹ tôi chia ít hơn 1 chút. Mọi người ai cũng vui vẻ và không có ý kiến gì vì bố mẹ vẫn thường dạy con cháu sống phải biết san sẻ cho nhau”, cô Quy chia sẻ.
Đối với quan hệ các chị em dâu, tất cả đều hiểu và bảo ban nhau, sống hòa thuận và coi nhau như chị em gái ruột. “Hàng sáng chị em vẫn cùng nhau đi dạo, cùng nhau ăn sáng, uống cafe… Còn con của các em tôi từ bé đến giờ đều gọi vợ chồng tôi là bố mẹ, chứ không gọi bác bao giờ”, cô Quy kể.
Bí quyết để có sự hòa hợp với nhà chồng của cô Quy, chính là quan điểm và cách nhìn nhận các mối quan hệ. “Tôi coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, em dâu, em chồng như em gái, em trai ruột của mình. Có lẽ trong gia đình ai cũng có quan điểm như vậy thì mới sống chung được với nhau quá nửa đời người”, cô Quy nói.
Với tất cả những gì có được trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là sự hòa thuận của 4 thế hệ đang sống chung cùng 1 mái nhà, gia đình bà Tề vinh dự được Chính phủ tặng “Bảng gia đình vẻ vang” và nhiều loại giấy khen, bằng khen khác.
Lê Phương/Thoidaiplus