Ngày nay người dân phố Lò Rèn đã chuyển sang kinh doanh các sản phẩm cơ khí, sắt, thép, inox
Cửa hàng rèn duy nhất còn “đỏ lửa” chính là cửa hàng ông Nguyễn Phương Hùng tại ngã tư Hàng Đồng và phố Lò Rèn
Sinh ra trong gia đình làm nghề rèn đến ba đời, học hết phổ thông, ông học cơ khí rồi làm ở một xưởng sửa chữa ô tô. Năm ông Hùng 36 tuổi, trước khi ra đi, bố ông bày tỏ nguyện vọng muốn ông giữ gìn nghề truyền thống cho phố Lò Rèn. Ông chia sẻ: “Sản phẩm chính của tôi bây giờ là rèn mũi đục phá bê tông. Ở Hà Nội có rất nhiều tổ thợ phá dỡ công trình nên nhu cầu làm mới mũi đục rất lớn”.
Ông Hùng nhận định, ngoài kỹ thuật căn bản, trong ông còn có “dòng máu” của một thợ rèn chính hiệu cho nên chẳng mất nhiều thời gian để học nghề và thạo nghề
Nhớ lại những tháng năm nghề rèn phát triển, ông nói: “Thời ông và bố tôi, các sản phẩm như dao, kéo, cày, cuốc, xẻng… được sản xuất trên phố Lò Rèn rất nhiều, lúc đó nhu cầu nông cụ cao phục vụ tăng gia, sản xuất. Chính vì vậy hoạt động trên phố Lò Rèn luôn tấp nập người mua kẻ bán”.
Môi trường làm việc bên cạnh bếp lò nhiệt độ cao, chính vì vậy bằng kinh nghiệm lâu năm, ông Hùng ngâm sẵn búa trong nước để khi làm việc búa sẽ không bị khô đảm bảo an toàn.
Đối với nghề rèn không chỉ đòi hỏi sức khỏe, tinh thần thép, người thợ còn phải có sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao
Ông Hùng cũng nhận định phải tùy vào thời tiết, “căn” nhiệt độ để xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để ra sản phẩm đạt chất lượng nhất
Thời gian làm việc của cửa hàng rèn duy nhất cũng vô cùng đặc biệt, ông chia sẻ, thời gian làm việc từ 8h sáng đến 11h trưa những ngày nắng nóng, chiều từ 2h đến 4-5h, và không có ngày nghỉ. Khách hàng đa phần là những người lớn tuổi đến tìm mua hoặc sửa chữa những đồ sắt thép gia dụng như mũi khoan, xà beng…
Chia sẻ với chúng tôi, ông luôn trăn trở bởi cũng đã 60 tuổi, chắc chắn ông không theo nghề lâu nữa, rồi thì nghề rèn sẽ ra sao.
Diệu Vy/VHO