Chúng tôi đi qua một cái cửa vào một phố lớn có trồng cây, hai bên là những cagnas (căn nhà) nhỏ lợp tranh. Đó là phố des Incrusteurs (phố Thợ Khảm, nay là phố Tràng Tiền và phố Hàng Khay, Hà Nội).
Thợ may Hà Nội
Khu Nhượng địa tuy gần, vẫn là ở ngoại vi thành phố. Trước đây, Hà Nội có tường thành và hào nước bao quanh. Ngày nay về phía sông, di tích của các công trình ấy chỉ còn có một cổng với hai trụ xây bằng gạch trên đắp hai con rồng.
Thợ may Hà Nội mở hiệu ở phố này. Chúng tôi đến với họ trước tiên. Đó là vì khi từ Pháp ra đi, chúng tôi rất mù mờ về Bắc Kỳ, chẳng hiểu sao cứ nghĩ rằng khí hậu ở đó cũng như ở Nam Kỳ, nóng bức quanh năm.
Vì vậy, ngoài quân phục không mấy tiện dụng, chúng tôi chỉ mang theo quần áo mỏng. Tháng hai, vừa tới vịnh Hạ Long đã khổ sở vì mưa rét. Nghe nói về mùa đông ở xứ này chưa bao giờ có băng tuyết, nhưng có những ngày nhiệt độ xuống tới hai, ba độ trên độ không.
Quần áo mang từ châu Âu sang thế là chưa đủ. May sao, tới Hà Nội chúng tôi thấy các đồng nghiệp ở hải quân mặc những bộ com-lê dạ tuyệt đẹp do thợ An Nam may cắt, thế là chúng tôi làm theo ngay.
Hiệu may cũng giống mọi cửa hàng tiểu thương khác ở Hà Nội, giống một lán bán hàng lớn mở ra mặt phố. Căn nhà tranh được ngăn đôi theo chiều rộng bằng một tấm phên tre. Gian ngoài quay ra đường là cửa hàng và xưởng thợ, gian trong là chỗ gia đình ở.
Chúng tôi thấy các nghệ nhân vắt chéo chân ngồi trên bàn làm việc như thợ may ở mọi xứ khác. Ba cho họ biết ý muốn của chúng tôi và để lại một bộ quần áo của chúng tôi làm mẫu.
Họ nói nội hai ngày sẽ may cho chúng tôi một bộ vest dạ xanh, đúng kích thước, giá bảy đồng bạc (khoảng 30 franc). Thật chẳng đáng bao nhiêu.
Tôi khuyên các bạn nào sắp sang Bắc Kỳ mà muốn sắm quần áo thì hãy ráng đợi để bàn việc ấy với thợ may Hà Nội.
Nghề khảm
Phố Thợ Khảm được đặt tên theo nghề khảm xà cừ vào gỗ quý là một trong những nghề chính của xứ này. Thợ khảm là những nghệ sĩ thực thụ.
Ở Pháp, ta đã thấy vài tác phẩm của họ. Nhưng phải tận mắt xem họ làm việc mới thấy họ đã kiên nhẫn như thế nào, mất bao nhiêu thời gian và khéo léo đến mức nào để tạo nên những đóa hoa đẹp, những đường cong tuyệt mỹ bằng xà cừ óng ánh sắc màu khảm trên những đồ vật, những cái tráp mà chỉ dùng những dụng cụ thô kệch.
Nghề này phải do nhiều loại thợ, mỗi loại có chuyên môn riêng biệt, thực hiện. Đầu tiên là thợ mộc. Mỗi đồ vật để khảm sẽ được làm từng chi tiết rồi lắp lại với nhau.
Việc lắp này không dùng đinh mà bằng cách đục mộng tạo những gờ, những rãnh khi tra vào khớp với nhau và gắn bằng keo có pha nhựa sơn.
Có hai loại gỗ được dùng làm đồ khảm: Hoặc là loại xứ này gọi là trac hay tiac (gỗ trắc) hoặc là moun (gỗ mun) rất hiếm lấy trong các khu rừng ở thượng du Bắc Kỳ. Gỗ mun được ưa chuộng hơn vì thớ mịn, xà cừ khảm vào bền hơn. Thêm nữa, sắc gỗ mun đen như mực, làm chỗ khảm nổi hơn là trên màu tím của gỗ trắc. Do đó, ở Bắc Kỳ, giá đồ khảm gỗ mun gấp ba gỗ trắc.
Lắp xong, món đồ được chuyển sang thợ vẽ. Người này vẽ những hình cần khảm lên giấy can rồi chuyển cả món đồ cùng giấy can cho thợ khảm. Thợ khảm đồ lại những hình vẽ đó ngay lên món đồ rồi chọn xà cừ để khảm.
Xà cừ được lấy từ những vỏ ốc lớn bằng đầu trẻ con đánh ở ven biển Côn Đảo, đưa về đến Hà Nội, giá mỗi vỏ vào khoảng sáu mươi centime. Thợ chạm cưa vỏ ốc thành những mảnh hai, ba cm2 óng ánh đủ mọi màu sắc, từ màu xanh của ngọc lục bảo đến màu hồng. Họ thật sự có tài phối hợp các màu, tạo cho hình khảm hiệu quả tương phản đáng kinh ngạc.
Ngoài vỏ ốc nói trên, người ta còn dùng vỏ một loại trai khác bắt ở các lạch sông tỉnh Thanh Hóa có phản quang thật kỳ lạ: Màu lục, màu đồng, màu vàng ròng… giá rất đắt. Chọn xà cừ xong, người thợ tạo hình cho từng mảnh rồi ráp lại với nhau như một tranh ghép để khảm vào gỗ.
Trước hết, họ dùng đá bọt mài cho mảnh xà cừ bóng lên rồi kẹp vào cái kìm cắm trên một súc gỗ lớn, sau đó ngồi xổm lấy giũa giũa cho mảnh xà cừ thành hình theo ý mình.
Phải chứng kiến tận mắt người thợ An Nam đã dùng những dụng cụ thô kệch thế nào để làm công việc tinh tế ấy. Làm sao mà với chiếc giũa to bằng đầu bút chì, họ tạo được những đường nét xà cừ chỉ dày nửa mm và xoắn như tay bám của cây nho.
Chất lượng giũa lại tồi, chốc chốc là biến dạng, người thợ phải dừng công việc, đặt giũa trên đe rồi dùng một dụng cụ như con dao to đập xuống để nắn lại.
Tạo hình xà cừ rồi, phải xoi gỗ để gắn vào. Phần lớn thời gian trẻ con từ mười đến mười hai tuổi làm việc này: Các chú thợ nhỏ dùng dao khắc khắc sâu một mm vào gỗ theo các hình đã đồ lại. Phải thật chắc tay, nếu khắc sâu quá hoặc rộng quá, mảnh xà cừ khảm vào sẽ lỏng, làm giảm chất lượng sản phẩm.
Công đoạn tiếp theo là dùng một loại keo có chứa nhựa cây để gắn xà cừ vào những hình tương ứng đã khắc. Gắn xong, thợ phải hơ nóng sản phẩm ở mức độ thấp để keo chảy ra trám vào những chỗ còn trống. Cuối cùng, đánh bóng xong là công việc hoàn tất.
Zing/Trích sách ‘Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của tác giả Charles Hocquard do NXB Văn học liên kết Đông A phát hành. Charles Édouard Hocquard – bác sĩ quân y Pháp – tới Việt Nam từ 1884 đến 1886. Ông đã ghi chép, chụp ảnh về cảnh vật, con người, lối sống nhiều vùng như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế… Cuốn sách không chỉ là áng văn du ký mà còn là nguồn tư liệu về nước ta cuối thế kỷ XIX.