Vườn Quốc gia Ba Vì được đánh giá là một tài nguyên quý hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Ở nơi đây, nhiệt độ trung bình quanh năm chỉ 23,4 độ C, cảnh quan từ những điểm cao ở Đỉnh Vua (1.296m), Đỉnh Tản Viên (1.081m), Đỉnh Ngọc Hoa (1.131m)…đã ưu ái cho Ba Vì trở thành nơi lý tưởng để đầu tư các dự án nghỉ dưỡng.
Giá trị của Ba Vì còn là văn hóa, lịch sử đặc biệt, sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn…
Với nguyên tắc, bảo tồn để phát triển – phát triển để bảo tồn”, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia Hotels International hiện đang bàn về vấn đề Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì.
Căn cứ vào những gì mà giai đoạn I dự án đã thực hiện tại Melia Ba Vi Mountain Retreat, hoàn toàn có thể tin tưởng Melia Hotels International sẽ “đánh thức” Ba Vì xứng đáng với tiềm năng mà tạo hóa và lịch sử đã ban tặng.
Cốt 600m vốn được coi là đặc khu quân sự của Pháp giờ đẹp như thơ với sự xuất hiện của Melia Ba Vi Mountain Retreat.
Những công trình mới của khu nghỉ dưỡng được đặt lại trên chính nền một số biệt thự nghỉ dưỡng của Pháp trước đây, mặc dù chỉ là cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp. Hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.
Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là đúng hướng. Vừa giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng.
Khu du lịch sinh thái Melia Ba Vì được xây dựng trên nền phế tích di sản lịch sử do người Pháp để lại với cao độ 400 – 600 – 700 – 800 – 1.000m, trong đó, các công trình dịch vụ, khách sạn nghỉ dưỡng chủ yếu nằm tại cao độ 600 – 800m theo cách ứng xử khá khiêm nhường với kiến trúc lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.
Với tổng diện tích nghiên cứu dự án khoảng 70,42 ha, Melia Ba Vì vẫn chủ yếu thừa hưởng các yếu tố tự nhiên của tổng thể khu vực và yếu tố vật chất thuộc về di sản lịch sử, các phế tích…
Cụ thể, tại cao độ 400m là khu quy hoạch của người Pháp có diện tích khoảng 21ha với số lượng 29 công trình. Cao độ 600 – 700m rộng 54ha, với số lượng 70 công trình, trong đó một số di tích chỉ còn lại nền móng. Cao độ 800m, diện tích quy hoạch cũ chiếm khoảng 10ha, với số lượng 16 công trình. Cao độ 1.000m, diện tích quy hoạch cũ chiếm khoảng 10ha, với số lượng khoảng 16 công trình.
Giới kiến trúc sư cho rằng Tập đoàn Melia có cách thức tiếp cận khá khéo léo và tinh tế giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, thể hiện sự khiêm nhường với những gì vốn có tại đây, đặc biệt là về khía cạnh ứng xử với cảnh quan.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, tất cả các hoạt động của con người liên quan tới vùng rừng núi Ba Vì đều phải lưu ý tới ba đặc trưng nổi bật nhất gồm: Cảnh quan sinh thái của một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước. Không gian văn hóa – tâm linh gắn với hình ảnh của một “Anh hùng văn hóa” linh thiêng – Tản Viên Sơn Thánh. Vườn Quốc gia Ba Vì – lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội.
“Quan điểm hiện tại, bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự cân bằng động giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là là đích phải hướng tới. Bảo tồn di sản để tạo cơ hội tưởng thụ và sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Con người không bao giờ chấp nhận nguyên tắc bảo tồn đông cứng”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Hoàng Anh/NNVN