Yêu Hà Nội qua từng trang sách

Hà Nội đẹp. Hẳn nhiên là thế. Mảnh đất này hội tụ đủ đầy những cung bậc, thanh âm của cuộc sống, đủ để mỗi người có thể đọng lại những cảm nhận rất riêng. Với tôi, trong nhịp sống tấp nập, hiện đại của Hà Nội, tôi tìm thấy vẻ đẹp thời gian đọng lại nơi những trang sách cũ ố vàng. Là một Hà Nội đẹp đẽ trong tình yêu con chữ, là sự gửi gắm đam mê tri thức của những con người, những mảnh đất giàu truyền thống hiếu học.

1. Tôi không ít lần lang thang qua chợ đầu mối rau quả dưới gầm cầu Long Biên. Cũng trong những lần ấy tôi quen với chị Nguyễn Thị Động (58 tuổi), quê ở Ân Thi, Hưng Yên. Nghe kể, kinh tế gia đình khó khăn, chị và cô con gái bị bệnh tim bẩm sinh buộc phải tha hương, lên Hà Nội làm thuê mưu sinh. Công việc của chị là gánh hàng thuê ở chợ. Sau những tối quần quật làm việc, niềm thảnh thơi duy nhất của chị là tiếng đọc bài của con.

Những hội chợ sách cũ vẫn thu hút hàng trăm lượt người trẻ ghé thăm mỗi ngày là minh chứng cho thấy văn hóa đọc vẫn âm ỉ chảy. Ảnh: Đinh Luyện

Nói ra cũng lạ, cô bé rất sáng dạ. Dù bệnh tật hành hạ và không được đến trường song một tháng đôi lần ghé lớp học tình thương cũng đủ để cô bé đọc thông viết thạo. Sau những buổi tiễn tôi, bé lại dúi vào tay những phong thư kể về cuộc sống, về những âu lo thường nhật và về ước mơ trở thành nhà văn. Những lúc ấy, tôi thầm nghĩ, sức mạnh của con chữ, của trang sách thực kỳ lạ, ngoài gửi gắm tri thức nó còn thắp lên niềm hi vọng vào tương lai. Niềm hi vọng thoát khỏi căn phòng trọ ẩm thấp với bề rộng vỏn vẹn 8m2.

Hà Nội là nơi vun bồi sự học. Trên mảnh đất kinh kỳ có không ít làng khoa bảng, lấy nếp ăn ở và sự học là chuẩn mực giữ gìn. Điều này có thể thấy được ở làng cổ Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm. Dẫn tôi tham quan Văn chỉ được đặt trong khuôn viên đình, ông Lê Văn Châu – Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc bảo, các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người. Xưa học trò trong làng nổi tiếng chăm học. Nhiều người học ngày học đêm. Điển hình là cụ Phạm Quang Trạch. Có thuyết kể rằng, cụ Trạch chăm học đến mức nhà có vườn cau, cụ ra ngoài vườn đọc sách, cứ đi vòng quanh các cây cau mà. Thế rồi, tất cả các thân cau đều dần… nhẵn bóng do cụ vịn tay vào quá nhiều, ma sát mà mòn cây. Đó có thể là câu chuyện vui được nhắc sau lúc trà dư tửu hậu song cái tinh thần truyền đạt, khuyến khích người sau học hành chăm chỉ hẳn là sự thực.

Xưa là thế, nay cũng vậy. Nghiệp đèn sách như đã ngấm vào máu, vào tinh thần cầu thị, hiếu học của người Đông Ngạc. Tôi đã vài lần được trò chuyện với người Đông Ngạc, thấy quý ở chỗ, người dân nơi đây rất ít khi mang chuyện con cháu đỗ đạt ra phô trương. Có lẽ, tất thảy người làng từ lâu đều xem chuyện đèn sách là thú vui, niềm cảm hứng.

2. Là sinh viên sống ở Hà Nội, hẳn không ít người sẽ quen thuộc với những địa chỉ thân quen của những người yêu sách, yêu thủ đô. Đó là phố sách Đinh Lễ, phố sách Trần Hưng Đạo, phố sách cũ dọc đường Láng, hay phố sách Phạm Văn Đồng… Cho đến nay, khi không gian mạng và công nghệ số bùng nổ mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng thì văn hóa đọc ở Hà Nội vẫn âm ỉ cháy.

Tại những phố sách này, người lui tới, qua lại với đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề. Họ đến với sách không chỉ để tìm mua tài liệu tri thức đang cần mà là để thỏa mãn với đam mê, như một thói quen, một nghi thức thiêng liêng trong sinh hoạt văn hóa. Thứ văn hóa đặc biệt ấy là văn hóa đọc, là tình yêu và sự trân quý với những giá trị tri thức bao la.

Trong tiết trời ẩm, mưa bụi đổ loang loáng mặt đường, tôi tìm về phố Đinh Lễ – con “Phố Sách”. Người đầu tiên gây dựng lên phố sách là vợ chồng ông Luy – bà Mão. Còn nhớ cách đây ít năm, tôi vô tình được nhà văn Nguyễn Văn Học chỉ ra nhà sách Mão yên tĩnh giữa phố thị ồn ào. Anh bảo, đó là nơi bản thân thường lui tới để kiếm tìm niềm cảm hứng câu chữ. Quả thực, đặt chân đến mới thấy nơi đó, sách có ở khắp mọi nơi, cả trên đầu, dưới đất, bên trái, bên phải, đâu đâu cũng thấy sách.

Phố sách Hà Nội, một trong những không gian văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Đinh Luyện

Thú vị nhất là thứ mùi rất đặc trưng, mà theo suy tưởng của cá nhân tôi đó là mùi hương của sách. Mùi sách mới lẫn sách cũ hòa quyện trong không gian như thứ hương kỳ lạ khiến người ta đắm chìm. Thứ nữa, mặc dù cái kho sách nơi đây khá đồ sộ nhưng khi có khách hàng hỏi về cuốn sách cần tìm, chủ cửa hiệu có thể tìm ra chúng khá nhanh chóng hoặc có thể nói ngay có hay không. Nhiều người bảo, do nhà sách sắp xếp khoa học nên mới thế, còn tôi thì nghĩ đó là những người biết yêu sách, quý sách.

3. Đôi lần, ở đâu đó tôi bắt gặp những lo lắng. Lo lắng rằng văn hóa đọc đang mờ nhạt đi, bị “chìm” dần trước Internet, trước xô bồ của cuộc sống. Điều này có thể đúng. Vì sao ư? Cùng dễ hiểu bởi thời gian cho cuộc sống thì nhiều mà thời gian cho sách thì ít. Thứ nữa, guồng quay hiện đại hối thúc nhu cầu tiếp cận nhanh chóng hơn và thực tế hơn đã hướng con người ta đến những phương thức đọc gián tiếp. Người yêu sách, cần sách thay vì tìm đến những không gian sách chân thực thì nay họ có thể hòa nhập vào không gian mạng hoặc thu hẹp không gian đọc của mình ở phạm vi cá nhân, nhóm nhỏ.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nghĩ lại, Hà Nội vẫn tồn tại những phố sách, những hiệu sách. Chúng có cũ, có mới. Và dĩ nhiên, ở đâu đó giữa Thủ đô những hội chợ sách cũ vẫn thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt người trẻ ghé thăm mỗi ngày. Nếu muốn viện dẫn một ví dụ, tôi nghĩ Phố Sách là tuyến phố như vậy. Đây là tuyến phố đầu tiên của Hà Nội dành riêng cho sách, để giới thiệu những cuốn sách, những bộ sách mới, nơi độc giả có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng, gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách với các tác giả trong và ngoài nước. Không gian hiện đại và sáng tạo của Phố Sách nằm trọn vẹn trong lòng phố 19-12 với tổng diện tích 3.000m2 như một minh chứng cho tình yêu sách vẫn còn. Đó là sự thủy chung, là mối tình sâu sắc dành cho sách. Và trên cả việc đọc, đây còn là văn hóa đẹp không chỉ của Hà Nội mà còn của những người dân Việt.

Người tìm đến nơi đây, ngoài chiêm ngưỡng một không gian văn hóa mới vừa để tìm kiếm cho mình những cuốn sách hay và bổ ích đến từ các nhà xuất bản, công ty sách uy tín như: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật; Nhà xuất bản Kim Đồng; Nhà xuất bản Phụ nữ; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm… Điều này đủ để chứng thực được rằng, văn hóa đọc vẫn là cái mạch ngầm đang chảy. Mạch sống tri thức không tuột đi và nó thẩm thấu như một nét văn hóa thanh lịch và đáng quý của người Hà Nội./.

                                                                ĐinhLuyện(Laodongthudo.vn)