Công viên Thống Nhất được coi là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50ha. Công viên nằm giữa 4 phố: Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông. Khu vực này trước đây vốn là vùng đầm hồ và bãi rác, tứ phía là các làng cổ. Đến năm 1958, Hà Nội quyết định xây dựng nơi đây thành công viên để làm chốn vui chơi, giải trí cho người dân Thủ đô.
Ngày ấy, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã tham gia phong trào lao động xã hội chủ nghĩa, tự nguyện dọn rác, gánh đất, nạo vét hồ, đắp gò, trồng cây… để tạo nên một cảnh quan đẹp cho thành phố.
Ngày 30-5-1961, công viên chính thức khánh thành. Thời điểm ấy, đất nước vẫn còn chia cắt nên công viên được đặt tên “Thống Nhất” nhằm thể hiện khát vọng sớm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Năm 1980, địa danh này được đổi tên thành Công viên Lê Nin, nhưng đến năm 2003, khi Vườn hoa Chi Lăng ở ngã tư Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu được đặt theo tên vị lãnh tụ Nga thì Công viên Thống Nhất được gọi lại với tên cũ. Công viên Thống Nhất có hàng vạn cây xanh đủ loại hoa lá khác nhau bốn mùa khoe sắc, có những hàng thùy liễu mượt mà, những cây thông suốt năm xanh thắm và nhiều loài cây ăn trái. Công viên có khu vui chơi của người lớn, có nhà giải khát tên là Quán Gió, có sân khấu ngoài trời; khu vui chơi của thiếu nhi với đu quay chạy điện, máy bay trên khung sắt, tàu hỏa, ngựa hào hoa… và nhà gương biến dạng hấp dẫn. Công viên bao trọn hồ Bảy Mẫu rộng mênh mông (25ha). Trong lòng hồ có hai hòn đảo nhỏ rất đẹp, đó là đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất. Đảo Hòa Bình là nơi yên tĩnh, thích hợp cho các cụ già đến luyện tập, thư giãn. Trên đảo có vài cây sưa cổ thụ cao lênh khênh, tán rộng. Mùa này, sưa nở hoa trắng cả một góc trời.
Nếu đi vào công viên từ cổng phía đường Lê Duẩn (đường Nam Bộ trước đây), thì chỉ qua một cây cầu xây cong là vào đến đảo Thống Nhất. Đảo có diện tích trên 6.000m2, được bao quanh bằng nhiều loại cây xanh và thảm cỏ, tươi mát bốn mùa. Cây cầu vào đảo cũng được gọi là cầu Thống Nhất. Trên đảo có tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn – món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng nhân dân Thủ đô nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010). Công viên Thống Nhất không chỉ là “lá phổi xanh”, điểm đến thú vị dạo chơi hóng mát lý tưởng cho người dân Thủ đô và du khách mà nó còn ẩn chứa ý nghĩa tượng trưng rất lớn lao về một giai đoạn lịch sử dân tộc.
Những năm 1960, 1970, 1980… công viên là một địa điểm ôn thi yên tĩnh và ưa thích của học sinh và sinh viên. Cây cầu và cây dừa bên cầu Thống Nhất đã đi vào ảnh lưu niệm của nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Đặc biệt nhất phải kể đến cây đa Bác Hồ nằm ngay cạnh bán đảo dừa. Từ ngoài phố Đại Cồ Việt nhìn vào đã thấy bóng đa um tùm một góc vườn có lát gạch theo lối đi quanh và xây bờ đá cao hình tròn bao lấy thân cây.
Cây đa này do chính tay Bác trồng năm Canh Tý 1960 nhân dịp Người phát động Tết trồng cây đầu tiên. Bắt đầu từ đấy đến nay, Tết trồng cây đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hà Nội và cả nước trong những ngày đón xuân. Theo thời gian, cây đa Bác trồng vẫn không ngừng xòe tán, tỏa bóng lá xanh và không biết tự bao giờ, nơi đây đã trở thành không gian thư giãn của người dân trong khu vực cũng như điểm đến của mỗi du khách khi ghé thăm. Nhiều lãnh đạo của nước ta và một số nước trên thế giới đã từng đến đây để trồng cây lưu niệm.
Sở hữu khoảng không gian bao la không bị che khuất bởi những tòa cao ốc lô nhô, từ lâu, nơi đây đã thành không gian thư giãn của nhiều người sau những vất vả lo toan. Đến đây vào buổi sáng sẽ cảm nhận được sự trong lành của sương mai và những gì tinh khôi nhất của thiên nhiên trước khi trở về cuộc sống ồn ào vội vã bên ngoài. Ngồi ở ghế đá ven hồ ngắm hoàng hôn, thưởng thức gió mát rượi và nhìn màu trời thay đổi theo từng khoảnh khắc thực sự là món quà quý. Màu xanh của hồ kết hợp với màu xanh của cây cối tạo nên vẻ yên bình, mát mẻ.
Thu Hằng/nguoihanoi.com.vn