Lan tỏa nét đẹp văn minh

Cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội” do Ban Tôn giáo thành phố phát động từ tháng 1-2020 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các chức sắc, tăng ni, phật tử. Sau 1 năm thực hiện, cuộc vận động đã lan tỏa nét đẹp văn minh tại các cơ sở tự viện, qua đó góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Lan tỏa nét đẹp văn minh
Người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi đi lễ tại chùa Hà (quận Cầu Giấy). Ảnh: Dương Lan

 

Nhiều chuyển biến tích cực

Năm 2020, do dịch Covid-19 nên lượng người chỉ chủ yếu tập trung đông tại một số cơ sở tự viện Phật giáo lớn vào những ngày rằm, mùng Một âm lịch hằng tháng. Ghi nhận cho thấy, cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội” đã góp phần đem đến hình ảnh mới trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây.

Có mặt tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) vào một ngày cuối năm 2020 có thể ghi nhận, lượng người đến lễ khá đông, nhưng hầu hết đều giữ trật tự, đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 và hạn chế đốt vàng mã, thắp hương. Tại đây không còn tình trạng người bán hàng chèo kéo khách mua đồ lễ.

Chia sẻ về sự chuyển biến tích cực này, đại đức Thích Minh Đức (chùa Phúc Khánh) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người dân, phật tử hạn chế thắp hương, đốt vàng mã để không gây ô nhiễm môi trường. Tại các khóa lễ, nhà chùa đều khuyến cáo nhân dân thực hiện hành vi văn minh trong các nghi lễ tôn giáo”.

Chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước. Thực hiện cuộc vận động, ban quản lý chùa đã đặt nhiều biển chỉ dẫn ngay cổng vào để người dân lưu tâm việc: Không mặc quần áo ngắn vào chùa, giữ vệ sinh chung, cùng thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội… Lần đầu đến vãng cảnh chùa Trấn Quốc, ông Nguyễn Văn Hùng (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi thấy không gian ở đây trang nghiêm. Mặc dù đến lễ đông, nhưng mọi người đều giữ trật tự, văn minh”.

Để có được những kết quả trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã phổ biến nội dung, tinh thần cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội” đến các cơ sở tự viện, nhấn mạnh trách nhiệm của chức sắc, tăng ni. Nhờ đó, các hoạt động tôn giáo có biểu hiện lệch chuẩn đã cơ bản được khắc phục. Tại các cơ sở tự viện Phật giáo được xếp hạng di tích, cuộc vận động còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý địa phương với ban quản lý di tích, trụ trì và sự hưởng ứng của người dân trong thực hành tín ngưỡng văn minh.

Song, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì ở một vài nơi vẫn còn số ít người lạm dụng việc đốt vàng mã và thắp nhiều hương. Cùng một nhóm sinh viên từ Hải Phòng lên Hà Nội du lịch sáng 14-11 âm lịch vừa qua, chị Nguyễn Lan Anh cùng các bạn mỗi người đốt một bó hương to thắp trong chùa Hà (quận Cầu Giấy). “Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm”, chị Lan Anh nói khi được nhà chùa nhắc nhở.

Cần sự đồng hành trách nhiệm

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội” nhằm góp phần nâng cao nhận thức để từ đó điều chỉnh hành vi của mỗi người trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn Thủ đô. Việc lan tỏa hành động tốt này sẽ góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Từ kinh nghiệm phối hợp triển khai thành công cuộc vận động trên địa bàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho rằng, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và chấn chỉnh kịp thời những hành vi lệch chuẩn văn hóa, mê tín dị đoan tại các cơ sở tự viện Phật giáo là cần thiết.

“Để cuộc vận động có chiều sâu thì cần nâng cao trách nhiệm của tăng ni trụ trì tại các cơ sở tự viện trong tổ chức, thực hành đúng chính pháp các nghi lễ tôn giáo”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Trấn Quốc chia sẻ thêm.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Phạm Tiến Dũng cho rằng, để cuộc vận động trở thành thói quen văn minh, tiết kiệm tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn Hà Nội thì cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và Giáo hội Phật giáo các cấp, tăng ni trụ trì các cơ sở tự viện cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. “Như vậy, chúng ta mới phát huy được những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, góp phần lan tỏa nét ứng xử văn minh để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp”, Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

HN/nguoihanoi.com.vn