Theo đó, Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn liền với phát huy những giá trị sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội. Nhằm thực hiện được nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Chương trình 06-CTr/TU cũng đặt ra các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội. Để đạt được điều đó cần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.
Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”; Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường.
Đề cao vai trò gương mẫu của mỗi công dân Thủ đô, gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, phường, xã, trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử. Đó là tiếp tục phát đọng và triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” theo Quyết định 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện tốt các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tron các cơ quan thành phố Hà Nội. Xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa.
Xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Rà soát, bổ sung các tiêu chí nâng cao và chuẩn hóa quy trình bình xét, công nhận, tôn vinh các danh hiệu văn hóa phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Xây dựng và ban hành khung chương trình tổ chức các hoạt động đối với các thiết chế văn hóa cơ sở, trọng tâm là nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, khu chung cư. Phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố; xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở.
Triển khai, nhân rộng các mô hình tuyên truyền thực hiện 02 quy tắc ứng xử; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện 02 quy tắc ứng xử phù hợp với thực tế. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên. Đổi mới phương pháp tuyên truyền đối với 02 bộ quy tắc ứng xử. Triển khai sâu rộng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; tiếp tục vận động các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô chủ động tham gia, phát huy vai trò của mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch.
Nghiên cứu bổ sung quy chế vinh danh danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú theo hướng tuyên dương ở tất cả các cấp, các ngành; tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử nhằm tạo ra phong trào thi đua rộng khắp có sức lan tỏa trong xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, bảo đảm vừa có tính thời đại, tính dân tộc và đặc trưng của Hà Nội.
Thứ ba, phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Rà soát quy ước, hương ước trên địa bàn Thành phố, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu trên địa bàn; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Hà Nội.
Thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây làm chính, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới hướng tới chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh, biểu dương các mô hình văn hóa tiêu biểu: Gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Lan Phong/nguoihanoi.com.vn