Đổi thay tích cực
Một ngày cuối tháng 4, trên đường vào xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), chúng tôi gặp nhiều nông dân đang chăm chút cho những luống ngô xanh mướt. Một người nông dân tên Trường ở thôn Dân Lập bảo, nhà anh có 5 sào ruộng nằm mãi ở dải đất cao, nước tưới khó khăn nên được xã định hướng chuyển sang trồng ngô. Thu nhập từ trồng ngô lại cao hơn so với lúa. Chẳng những thế, ngoài làm ruộng, gia đình anh còn chăn nuôi thêm gà, vịt… nên cuộc sống có “bát ăn, bát để”.
Người nông dân thay đổi tư duy, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ảnh: Giang Nam |
Được biết đến là một trong ba xã vùng dân tộc miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Yên Bình thành một phần của huyện Thạch Thất, khi hỏi về những đổi thay của làng quê sau nhưng ngày tháng sáp nhập, anh Trường chỉ cười và bảo với tôi, từ khi về với Hà Nội đến nay, đổi thay rõ nhất là giao thông đi lại dễ dàng, đời sống sinh kế của người dân ngày một nâng lên. Ở nơi anh sống, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho năng suất và thu nhập cao như mô hình trồng hoa cao cấp, số hộ thoát nghèo ngày càng tăng.
Theo tìm hiểu, mới đây Thạch Thất đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đánh giá, sau 10 năm bắt tay vào thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Thạch Thất đã có nhiều thay đổi và chuyển biến rõ rệt. Với 100% xã về đích nông thôn mới từ năm 2017 và cuối năm 2020 huyện Thạch Thất đã đạt 9/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có xã Đại Đồng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được triển khai một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Đáng chú ý, giai đoạn 2010 – 2020, huyện đã bố trí hơn 4.994 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả, công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người cao gấp 5,4 lần so với năm 2010, cao hơn mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Thành phố 15 triệu đồng/người/năm.
Hạ tầng giao thông ở ngoại thành Hà Nội ngày một đồng bộ, khang trang. Ảnh: Giang Nam |
Cũng có nhiều nét giống Thạch Thất, thị xã Sơn Tây hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Những con đường liên xã trải nhựa, bê tông phẳng phiu; những ngôi nhà cao tầng, trường học khang trang bên những hàng cây xanh rợp bóng mát; những bồn hoa ven đường rộn ràng khoe sắc hòa vào niềm hân hoan trong câu chuyện của người dân… Tất cả “họa” lên một bức tranh với những gam màu tươi sáng.
Tìm đến nhà anh Cao Văn Hiền ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm khi gia đình anh đang chuẩn bị cho ra mẻ kẹo được khách đặt với số lượng lớn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hiền cho biết, nghề làm kẹo là nghề truyền thống của gia đình đã có từ 40 năm trước. Nhưng kể từ năm 2006, khi Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp Quốc gia, gia đình anh mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị đóng gói đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan và nhân dân trong vùng. Đến nay, thương hiệu kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc Hiền Bao do gia đình anh sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt không chỉ ở các cửa hàng trên địa bàn mà còn đến các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt sản phẩm kẹo lạc của gia đình anh đã đạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cổ ở Đường Lâm do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức. Cũng như gia đình anh Cao Văn Hiền, hiện nay trên địa bàn xã Đường Lâm có khoảng 4 hộ sản xuất các sản phẩm kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi với quy mô tương đối lớn để cung cấp cho thị trường. Nghề làm kẹo giúp gia đình anh Hiền có điều kiện phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho một số người dân địa phương với mức thu nhập ổn định 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Thay đổi tư duy, nâng cao thu nhập
Trong quá trình tìm hiểu về đời sống nơi ngoại thành, người viết nhận thấy rằng sự thay đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân là cái được lớn nhất ở khu vực ngoại thành những năm qua. Chẳng khó để thấy khi Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng trồng lúa, hoa, cây cảnh chất lượng cao; rau an toàn; chăn nuôi tập trung… Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 230 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình như trồng hoa ly, cây ăn quả, chăn nuôi cho thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm…
Đặc biệt, nơi ngoại thành còn nở rộ không ít mô hình làm kinh tế giỏi. Ở nhiều địa phương có hàng trăm hộ dân tập trung vào phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn mường, nuôi gà thả đồi quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn con. Các gia đình đã biết cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả giá trị như bưởi, nhãn… nên số hộ nghèo giảm rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày một nhiều.
Những cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân ngoại thành có điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: Giang Nam |
Xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì là ví dụ. Tại đây, phong trào phát triển chăn nuôi đà điểu đã và đang mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi nơi đây. Anh Nguyễn Văn Trung – một trong những người tiên phong nuôi “chim khổng lồ” ở vùng đất này cho biết, thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi, do chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của đà điểu nên anh Trung gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, với ý chí quyết tâm, vừa học, vừa làm cũng như nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, anh Trung dần nắm bắt được một số kiến thức cơ bản. Anh Trung nhận thấy đà điểu rất dễ nuôi, ít gây ô nhiễm hơn so với nuôi lợn, bò. Thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc… Đà điểu lại có sức đề kháng tốt nên nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp, lớn nhanh. “Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt. Da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau… Với những lợi thế này mang lại, nếu phát triển nuôi với số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn nhiều lần so với các cây, con giống truyền thống” – anh Trung nhận định.
Đó là sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân, tại nhiều địa phương khác, công cuộc chuyển dịch cây trồng, con giống sao cho đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ. Chẳng hạn, ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, sự chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp nơi đây tương đối rõ nét. Đến nơi đây có thể chứng kiến những cánh đồng một thửa “thẳng cánh cò bay”. Đặc biệt, người dân Đồng Phú chuyển sang trồng lúa hữu cơ xuất khẩu có giá trị cao gấp 2 lần so với lúa thông thường. Ngoài 2 vụ lúa hữu cơ, vụ đông, bà con tiếp tục trồng đậu tương, khoai tây hữu cơ, chủ động thay đổi tư duy, nâng cao thu nhập.
Ngõ xóm sạch đẹp
Thời điểm này, đến những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, không chỉ thấy sự hiện diện những ngôi nhà mới, các con đường rộng rãi thênh thang mà còn có những nẻo hoa. Hoa khoe sắc trên các con đường, hoa làm đẹp cả bên bờ ruộng, hoa lấn cỏ dại, lấn bãi rác…Theo tìm hiểu, người dân ở các thôn, xóm thuộc vùng ngoại thành như: Phú Xuyên, Thường Tín, hay Quốc Oai, Thanh Trì, Đan Phượng… luôn có phương châm “Thêm một bông hoa, bớt một túi rác”. Nhờ vậy, người dân những vùng này thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng.
Không gian sống nơi Hà Nội đang sáng – xanh – sạch – đẹp hơn mỗi ngày. Trong số những vùng quê từng ngày đổi thay ấy, Đan Phượng là một điểm sáng. Đến xã Đan Phượng, ấn tượng nhất với cá nhân tôi là những con đường bích họa, những đường hoa khoe sắc nối dài xóm thôn. Một làng quê ven đô trù phú, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của nông thôn truyền thống. Được biết, năm 2015 Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Năm 2018, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Và đây cũng là 3 xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Hà Nội.Từ thành công ở Đan Phượng, Hà Nội đã nhân rộng mô hình đường hoa, đường bích họa, đánh số nhà, đặt tên ngõ ở khắp các huyện, thị xã. Nhờ sự chủ động “ươm mầm” này, Hà Nội đã có nhiều làng đẹp, bình yên, thật sự là nơi đáng sống.
Giống như Đan Phượng, không gian của huyện Thanh Trì hiện đang có nhiều đổi thay tích cực. Còn nhớ, cách đây ít năm, huyện Thanh Trì còn nhức nhối bởi ô nhiễm môi trường, giờ đây với sự chung sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong huyện nơi đây đang ngày một sạch đẹp, khang trang. Kết quả dễ thấy và đáng ghi nhận là 14 khu vực “ao tù nước đọng” trên địa bàn đã được cải tạo, xử lý sạch sẽ. Hai bên bờ sông Nhuệ rác thải, chất thải được thu gom xử lý hợp vệ sinh. Người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông tự giác tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng và trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…
Để đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, hạ tầng xây dựng là hết sức quan trọng. Ở vấn đề này, nhiều nơi đã có những “hạt nhân” tích cực trong cuộc vận động hiến đất làm đường. Về thôn Đồng Phú xã Phú Đông (huyện Ba Vì) có thể chứng kiến một không khí sôi nổi trong việc hiến đất, phá dỡ tường bao công trình phụ để làm đường. Được biết, đường trục thôn Đồng Phú nối giữa thôn với xã Phong Vân, xã Thái Hòa, có chiều dài gần 1km, tuy nhiên chiều rộng chỉ khoảng 3m, sau quá trình phát triển đường đã không còn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong thôn, vì vậy mở rộng tuyến đường là hết sức cần thiết.
Ông Đỗ Văn Sớm, Trưởng thôn chia sẻ, thôn Đồng Phú đời sống của nhân dân còn khó khăn, lúc đầu đưa ra chủ trương nhiều hộ còn nghi ngại, chưa ủng hộ, nhưng đội ngũ cán bộ từ Chi bộ đến các đoàn thể, lãnh đạo thôn đã không ngại thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu, quyết tâm vận động nhân dân hiến đất, phá tường bao để làm đường. Xác định cán bộ phải gương mẫu làm trước, ông Đỗ Văn Sớm đã vận động gia đình mình thực hiện trước tiên. Ông đã hiến 30m2 đất, 70m2 tường bao, tháo dỡ công trình phụ. Khi chứng kiến ông Sớm gương mẫu đi đầu, các hộ ở Đồng Phú như gia đình ông Chu Văn Nghi cũng hiến 15m2 đất, 2m2 tường bao, bà Chu Thị Nguyệt hiến 15m2 đất… 28 hộ sống hai bên đường ở thôn Đồng Phú đã hiến khoảng 600m2 đất, phá dỡ tường bao, công trình phụ với diện tích khoảng 1.000m2.
Việc hiến đất làm đường hay việc làm đẹp đường liên xã, đường làng, đường đồng… bằng hoa nơi ngoại thành đã trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực. Đi trên những con đường hoa ngoại thành, tôi nhớ tới lời của một lão nông ở Ba Vì rằng, đời sống người dân dù còn vất vả, nhưng những bông hoa cười rực rỡ sắc màu sẽ góp phần làm vơi bớt sự mệt nhọc.
Nâng cao đời sống văn hóa
Trong sự phát triển mạnh mẽ của vùng ngoại thành thời gian qua, nhiều người nhận thấy Hà Nội ngày một chú trọng hơn trong việc phát triển không gian công cộng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tạo nên sự phát triển bền vững, gắn liền với môi trường sống của người dân. Không khó để thấy các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; đời sống văn hóa tinh thần người dân được cải thiện, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm…
Đận trung tuần tháng 3, đã được chứng kiến niềm vui của các em nhỏ khi Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh phối hợp với doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố (Think Playgrounds) và Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội tổ chức khánh thành sân chơi di động cho trẻ em tại khu nhà ở công nhân thuộc xã Kim Chung. Đây là sân chơi di động thứ 4 được xây dựng và đưa vào hoạt động tại huyện Đông Anh. Theo đó, công trình sân chơi di động này gồm các hạng mục như: Cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh, thang dây, cà kheo… với tổng kinh phí thực hiện hơn 25 triệu đồng bằng nguồn xã hội hoá. Khi đưa vào sử dụng sân chơi sẽ giúp các em nhỏ có điều kiện rèn luyện bản thân để có sức khoẻ tốt, góp phần tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể lực, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện; góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư văn hoá, tiến bộ; xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.
Xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống người dân đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mạnh.Ở những miền quê đang ngày một thay da đổi thịt ấy, dù cách thức triển khai, phương thức tiếp cận ít nhiều khác nhau song không thể phủ nhận rằng, để công cuộc xây dựng thành công cơ bản hội tụ quanh 3 yếu tố. Cụ thể, đó là việc góp nhặt, huy động sức dân; xây dựng niềm tin vào Đảng, vào chính quyền thông qua việc đảng viên gương mẫu đi đầu; xác định rõ và tận dụng tiềm năng, phát huy lợi thế địa phương.
Giang Nam/laodongthudo.vn