Chuyện người thu gom phế liệu
Bà Dương Thị Mão năm nay đã gần 60 tuổi. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn phải lao động kiếm sống. Sức khỏe yếu, không còn gồng gánh được việc ruộng đồng, mấy năm nay bà Mão đi mua đồng nát, phế liệu. Mỗi ngày đi mua đồng nát, phế liệu, gặp những hoàn cảnh khó khăn là một ngày bà suy tư, mỗi lần gặp người nghèo khổ lại làm bà nhói đau.
Bà tự nhủ với mình rằng phải làm cái gì đó… Bà bắt đầu rè rặt hơn chi tiêu cho gia đình, mỗi tháng 2 buổi chợ, kiếm được khoảng 3 – 4 triệu đồng, rau và gạo, gà, gia đình sản xuất, nuôi trồng được, thi thoảng đổi bữa thì mới mua thức ăn. Bà bắt đầu giúp người khác.
Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, bà Nguyễn Thị Sâm cho biết: Bà Mão đã ủng hộ đồng bào miền Trung, ủng hộ quỹ xây nhà tình nghĩa, ủng hộ xây dựng các công trình công cộng ở địa phương và thăm hỏi, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 30 triệu đồng. Mọi người hỏi bà giúp được bao nhiêu người, bà bảo không nhớ hết được, bởi thấy họ khó khăn thì giúp, mỗi lần làm được một điều gì đó cho ai, đó là một niềm vui.
Một điểm đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang tại Chi hội phụ nữ thôn An Khoái, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên. |
Niềm vui của bà Mão ở ngay những việc làm bình dị như thế, thật đáng khâm phục. Bà Mão chia sẻ: “Gọi là đỡ nhau bát cơm, bát cháo, xã hội còn nhiều hoàn cảnh éo le, vất vả, người thì mắc bệnh hiểm nghèo lại cô đơn, người lành lặn, khỏe mạnh thì lại bị thiên tai lũ lụt mất hết nhà cửa. Ngày xưa nhờ hũ gạo kháng chiến mà Bác Hồ kêu gọi, quân ta mới ăn no, đánh thắng giặc Pháp đấy thôi…”.
Bà Dương Thị Mão cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Thu gom phế liệu, gây quỹ từ thiện” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vân Từ phát động. Hàng ngày, khi đi mua phế liệu, bà tuyên truyền tới các bà, các chị em và nhân dân, vận động các bà, các chị có những đồ cũ, phế liệu trong gia đình nếu không dùng nữa thì gửi ủng hộ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bà đã mua lại số phế liệu đó và đã gửi số tiền lại cho Quỹ “Vòng tay nhân ái” số tiền 1,5 triệu đồng gửi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vân Từ để thăm hỏi các chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai hoạn nạn.
Không chỉ có bà Mão ở xã Vân Từ, mà ở nhiều nơi như xã Phú Yên, xã Đại Thắng, thị trấn Phú Xuyên, các chị vẫn ngày đêm không quản nắng mưa, thu gom phế liệu vì những mảnh đời cần được giúp đỡ. Đó là chị Nguyễn Thị Ngoan, chị Nguyễn Thị Thùy ở xã Phú Yên; chị Hoàng Thị Tâm, chị Vũ Thị Hoa ở thị trấn Phú Xuyên; chị Trần Thị Thiết ở xã Đại Thắng… Từ tấm lòng của các chị, đã nhiều mảnh đời đã được sẻ chia, vượt qua khó khăn để nhìn về phía trước.
Cho những mảnh đời khó khăn
Cháu Nguyễn Văn Duy (xã Phú Yên) hạnh phúc trong ngày được nhận sổ tiết kiệm học tập, xe đạp để tới trường |
Cháu Nguyễn Văn Duy (xã Phú Yên) tuy đã lên 8 tuổi nhưng cháu Duy vẫn chưa được cắp sách đến trường vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ cháu sức khỏe yếu, lại bị ảnh hưởng thần kinh nên không nhận thức và chăm sóc bản thân. Hiện nay 2 mẹ con phải ở nhờ nhà người thân. Cuộc sống hằng ngày nhờ sự cưu mang của anh chị em, hàng xóm láng giềng.
Chia sẻ với hoàn cảnh của cháu Duy, các chị em ở thôn, xóm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Yên và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Xuyên đã giúp đỡ 17 triệu đồng, tặng xe đạp, bàn ghế, đồ dùng học tập và đồng hành giúp đỡ cháu hồ sơ nhập học, trao đổi với nhà trường trong quá trình học. Cán bộ Hội thường xuyên đến gia đình dọn nhà, giúp đỡ nấu cơm cho cháu ăn và hướng dẫn Duy học bài. Những ngày bắt đầu vào lớp 1 và chặng đường đến với con chữ của Duy chắc còn nhiều khó khăn nhưng đó cũng là những bước đi đầu tiên để cháu bước vào tương lai.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, bác của cháu Duy cho biết, nhờ có sự quan tâm của cấp hội xã Phú Yên nên cháu đã có sách vở đến trường, có đồ dùng học tập để học tiểu học ở trường Tiểu học Phú Yên. Năm nay nếu dịch Covid-19 không quay trở lại thì Duy cũng đã được thi học kỳ và kết thúc năm học. Bà Hải cũng chia sẻ, cháu Duy không phải là học sinh chính thức của trường do vướng mắc vấn đề về hộ khẩu. Bà Hải mong muốn các cấp đoàn thể tiếp tục giúp đỡ để cháu duy được học tập chính thức tại trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Yên cũng cho biết, cùng với sự giúp đỡ của địa phương, trong thời gian tới Hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ mẹ cháu được đi khám, điều trị bệnh và đồng hành cùng cháu Duy trong chặng đường phía trước.
Chung tay chia sẻ với gia đình cháu Đinh Đức Vinh |
Cháu Đinh Đức Vinh (học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A) bị ung thư máu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hoàn cảnh và bệnh tình của cháu Vinh, các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên và nhân dân địa phương đã ủng hộ số tiền gần 170 triệu đồng, trong đó các cấp Hội giúp đỡ hơn 20 triệu đồng từ mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ vòng tay nhân ái”, và số tiền vận động các nhà hảo tâm để giúp cháu Vinh điều trị căn bệnh hiểm nghèo.
Chị Hoàng Thị Ngần, mẹ Vinh, chia sẻ: “Tôi vừa cho cháu đi khám lại, cháu bị tái phát rồi em ạ, cả gia đình đang rất buồn. Bây giờ cháu đang chuẩn bị thi học kỳ, gia đình đang định xin cho cháu thi xong rồi mới nhập viện điều trị tiếp. Tình cảm mà các chị ở Hội phụ nữ đối với gia đình đã động viên cháu Vinh và chúng tôi rất nhiều, các chị đã rất vất vả, xin nhận của chúng tôi một lời cảm tạ”…
Còn nữa những mảnh đời cần được sẻ chia như cháu Đỗ Nguyên An ở xã Đại Thắng bị khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, dị tật không có lỗ tai, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Thắng và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Xuyên cùng với Hội thiện nguyện phụ nữ thị trấn Phú Xuyên đã ủng hộ số tiền 18,7 triệu đồng để góp phần chữa trị cho cháu.
Góp phần làm đẹp cho đời
Chia sẻ từ những câu chuyện về những phụ nữ đi gom phế liệu cùng những mảnh đời cần được sẻ chia, bà Vũ Ngọc Yến – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Xuyên, cho biết, mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ vòng tay nhân ái” tại huyện được nhân rộng từ năm 2016 và được triển khai tới các cơ sở Hội và hội viên, phụ nữ, nhân dân.
Hưởng ứng thực hiện mô hình, từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi, nếu không được thu gom lại sẽ bị vứt bỏ theo rác thải hằng ngày vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, những phế liệu, đồ dùng hằng ngày không dùng đến được các chị em cần mẫn, chăm chỉ thu gom. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và các xã, thị trấn định kỳ tổ chức các buổi ra quân thu gom phế liệu với hình thức là kết nối với các đại lý phế liệu, đến tận các khu dân cư, thôn xóm và thu mua phế liệu từ đó hạn chế được hiện tượng ùn ứ gây ô nhiễm môi trường.
Các chị vẫn ngày đêm “canh gác” những điểm thu gom phế liệu để làm đẹp cho đời |
Với khẩu hiệu “Đổi phế liệu, lấy màu xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Thu gom phế liệu, sạch làng, đẹp xóm”, “Thu gom phế liệu nâng bước em tới trường”, “Đổi phế liệu lấy khẩu trang, thiết bị phòng dịch”,… những buổi thu gom phế liệu dần dần trở nên thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chị em phụ nữ và người dân nơi đây.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phú Xuyên và các xã, thị trấn đã thu gom được gần 280 tấn phế liệu gây quỹ “Vòng tay nhân ái” trị giá 463,7 triệu đồng gây quỹ thăm hỏi, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tặng 2.915 thùng rác có nắp đậy, 4.181 làn nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn, các đồ dùng thân thiện, trị giá gần 400 triệu đồng góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài giúp đỡ những mảnh đời khó khăn như gia đình cháu Duy, cháu Vinh, cháu An… và nhiều gia đình khác trong huyện, các cấp hội huyện còn thiết thực tham gia chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trao tặng 700 chiếc bánh trưng, 2,7 tấn gạo, 500 thùng mì tôm, một số thực phẩm, quần áo,… cho đồng bào xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Lai Châu. Ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”..
Đặc biệt, trong năm 2020, 2021, thiết thực huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở Hội đã phát động mô hình “Đổi phế liệu lấy khẩu trang, thiết bị phòng dịch” đã được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân hưởng ứng tham gia, cũng từ kinh phí này, đã thăm, giúp đỡ được nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Thời gian đầu, phong trào thực hiện điểm ở một số đơn vị, đến nay mô hình này đã được thực hiện nề nếp, thường xuyên ở 27/27 cơ sở Hội, góp phần lan tỏa thông điệp: “Ai cũng có thể học theo Bác, làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, cho đi là còn mãi”, bà Vũ Ngọc Yến chia sẻ.
Bảo Thoa/laodongthudo.vn