Có thể kể ra rất nhiều những nét thanh lịch của người Hà Nội xưa từ chuyện các gia đình gia giáo dạy con nề nếp gia phong cho đúng phong cách của một gia đình sống trên đất hà thành. Từ cách đi đứng, ăn nói, ứng xử chỗ đông người, khi có khách, rồi sự kính trên nhường dưới, tôn ti trật tự v.v… Để có được những điều đó, người Kẻ Chợ xưa cũng phải trải qua nhiều vật lộn, sàng lọc để chung đúc nên các giá trị thanh lịch đó. Chắc chắn lúc đầu cũng là sự hội tụ của người tứ xứ đến đây, cũng không tránh khỏi sự xô bồ, tạp nham, lộn xộn… Tuy nhiên, trải qua thời gian, cuộc sống nơi đô hội rèn dũa cho người ta ý thức của một người Hà thành cần phải có những ứng xử khác, nếp sống khác nên dần hình thành nên nét thanh lịch của người đô thị. Mặt khác, vì là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa nên tập trung vào đây nhiều những trí thức, quan lại, những nhà văn hóa…, họ chính là những người đã chắt lọc tinh túy từ nơi mình sinh ra và kết hợp với trí tuệ của bốn phương để tạo ra nét thanh lịch cho gia đình họ (với nếp gia phong) và lan tỏa ta nét thanh lịch cho xã hội.
Điều này thể hiện ở hầu hết trong mọi hiện tượng văn hóa của người Hà Nội xưa từ lời ăn, tiếng nói, đến các nếp sinh hoạt. Vốn có thể là những sinh hoạt, câu nói, món ăn thường ngày quê mùa của dân gian tứ phương, khi vào đến nơi đô hội này được bàn tay nhào nặn của những tao nhân, mặc khách những gia đình có máu mặt… mà trở thành một nét thanh lịch của người kẻ Chợ. Đó vừa là sự giao thoa giữa văn hóa dân gian với văn hóa đô thị để tạo nên sự thanh lịch, vừa là sự hội tụ chắt lọc những tinh túy để rồi lại trở thành một hiện tượng văn hóa mới lan tỏa đi bốn phương.
Nói đến phẩm chất, nhân cách người Thăng Long – Hà Nội, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra với 8 giá trị truyền thống tiêu biểu như: Chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến; Chất tài hoa, tài tử; Chất hào hoa, phong nhã, kẻ sĩ; Giàu nghĩa khí, có khí phách; Lòng nhân ái, chuộng hoà bình, tính hoà đồng; Tính chừng mực, vừa phải; Lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo; Thanh lịch, văn minh.
Song, có thể thấy phẩm chất tốt đẹp người Thủ đô hiện nay thể hiện rõ 4 đặc trưng, đó là:
Một là, có tinh thần yêu nước, có khí phách anh hùng, giàu nhân nghĩa, chuộng hòa bình. Hà Nội là Thủ đô, nơi hội tụ dân mọi miền, nên người Hà Nội có truyền thống sống hoà đồng, thân thiện. Họ giàu lòng nhân ái, “lá lành đùm lá rách”, trân trọng mọi đạo lý tốt đẹp trong dân tộc, yêu chuộng hòa bình và phát triển tình hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế.
Hai là, tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức, coi trọng giáo dục. Hà Nội cũng là nơi tập hợp các danh nhân văn hoá, tầng lớp trí thức ở mọi thời đại và mọi thế hệ.
Ba là, tài hoa, tinh tế; lao động cần cù, chịu khó, giàu sáng tạo và đạt hiệu quả chất lượng cao trong mọi công việc; trung thực, thật thà, lấy sự tín nhiệm làm hàng đầu trong sản xuất kinh doanh; có ý thức tôn trọng kỷ luật lao động và bảo vệ của công, tiết kiệm, không phô trương lãng phí. Có chí tiến thủ, không chịu thua kém, nhạy cảm với cái mới.
Bốn là, thanh lịch, văn minh. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” vẫn luôn được nhấn mạnh khi đề cập đến văn hóa giao tiếp ứng xử của người Hà Nội. Đây là đặc trưng lớn, nổi bật và dễ nhận thấy trong tính cách người Hà Nội, thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau của cuộc sống: ăn mặc, ở, đi lại, nói năng, giao tiếp, lễ nghĩa, thú chơi… Phẩm chất thanh lịch, văn minh của người Hà Nội vừa mang bản sắc riêng của Hà Nội, vừa là kết quả hội tụ nhiều nét đẹp của nhiều vùng, miền khác nhau.
Có thể thấy, người Hà Nội là tổng hòa tất cả các phẩm chất tốt đẹp đáng tự hào như: ứng xử bao dung, lịch thiệp, không địa phương, cục bộ, không gây mặc cảm; là sự coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần và mở rộng ra là coi trọng con người… Người Hà Nội không đứng riêng hoặc đứng ngoài cộng đồng người Việt Nam; nhưng do khả năng tiếp nhận và gạn lọc, Hà Nội vẫn có một nét riêng, để được gọi là người Hà Nội với phẩm chất Hà Nội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, vấn đề bồi dưỡng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Thủ đô đặt ra nhiều thách thức. Việc cần phải làm và phải làm liên tục là duy trì, gìn giữ, khai thác tất cả những truyền thống thanh lịch của Hà Nội dưới mọi hìn thức khác nhau, từ sưu tầm, ghi chép, phổ biến bằng các phương tiện sách, báo, băng hình, phim ảnh… nhằm tuyên truyền, quảng bá những truyền thống ấy từ thế hệ nay qua thế hệ khác. Bằng nhiều hình thức, sáng kiến của cá nhân, cộng đồng, sự sáng tạo của các nhà trí thức, nghệ sĩ, nghệ nhân để lưu giữ, phổ biến các truyền thống đó cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Làm sao để tất cả những thứ đó phải trở thành một nếp sống văn hóa ăn sâu vào từng hành vi, suy nghĩ, cách thức ứng xử của từng người, có như vậy mới có một xã hội lành mạnh. Còn nếu chỉ là những quy định hình thức, áp đặt, ép buộc thì mọi thứ rồi lại đâu vào đấy, vì nó không xuất phát từ ý thức văn hóa của mỗi cá nhân. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đưa việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh vào nếp văn hóa của người dân.
Cùng với tốc độ phát triển của một Thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất… Bên cạnh đó, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập cũng có những tác động không nhỏ đến các giá trị đạo đức, văn hóa người Hà Nội. Sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày ở mọi tầng lớp, môi trường. Đó là phong cách thời trang lai căng, phản cảm tràn lan; giao tiếp thiếu văn hóa nơi công sở, chỗ đông người hay thói văng tục, chửi thề ở các lứa tuổi, giới tính. Là sự băng hoại về đạo đức, lối sống trong gia đình và nhà trường, ở mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, thầy và trò, dẫn đến không ít hậu quả đáng tiếc. Ý thức giữ gìn vệ sinh, mỹ quan môi trường, tác phong văn minh lịch sự nơi công cộng còn kém; thiếu ý thức trong văn hóa giao thông và văn hóa du lịch. Ngoài ra, việc phát triển các khu đô thị, khu chung cư mới chỉ được quan tâm tới các yêu cầu thiết yếu về vật chất. Vấn đề văn hóa ứng xử chung cư hiện nay vẫn đang là một khoảng trống, cần có sự quan tâm để có cái nhìn đúng đắn với đời sống của cư dân đô thị hiện đại.
Để giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội, Thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong việc duy trì thực hiện các nội dung của Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Đẩy mạnh tuyên truyền nét đẹp của người Hà Nội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống và văn hóa Thủ đô cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” trong các nhà trường. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống pháp luật và quy chế về tổ chức quản lý đô thị Hà Nội; tổ chức đời sống khoa học, văn minh, xây dựng sinh hoạt tinh thần phong phú, giữ vững và đề cao các chuẩn mực xã hội, xây dựng hệ tư tưởng cũng như tâm lý đạo đức hướng thiện trong xã hội đô thị hiện đại.
“Hà Nội hôm nay đang đứng trước một ngã rẽ mới. Với thành phố Hồ Chí Minh được coi như một trung tâm thương mại nhộn nhịp, Hà Nội cần tìm ra một vai trò khác để định hướng tương lai thành phố. Là trái tim văn hóa và là linh hồn của Việt Nam, Hà Nội là điểm hội tụ Đông – Tây, lịch sử và hiện đại, thanh lịch và gai góc. Đan quyện trong thành phố là dòng chảy của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống, tạo nên một thành phố sống động bậc nhất Đông Nam Á”. (trích cuốn “Hà Nội kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á – Tầm nhìn một thành phố”).
Mai Phương/nguoihanoi.com.vn