Ngày bé chưa hiểu được ý của câu ca, tôi được bà ngoại giải thích đây là một câu nói ngoa dụ, ý là khen bánh đúc ngon. Vin vào câu chuyện người đàn bà có thể ăn một thức quả rẻ tiền, vì ngon miệng mà xơi nhiều đến độ “tan” cả nhà chồng thì đúng là… ngoa quá!
Nhưng mà quả thật, bánh đúc là một thức quà ngon, rất đáng nếm. Tuy rằng, đó chỉ là món quà quê vô cùng bình dị, chưa bao giờ được xếp vào hàng cao lương mỹ vị.
Bà ngoại tôi xưa vẫn nấu bánh đúc ngô. Nguyên liệu đơn giản, chỉ có ngô xay và một ít tóp mỡ. Bà ngâm ngô với vôi rồi đem bột ngô ấy quấy bánh đúc. Khi quấy xong, đổ ra cái mẹt nhỏ có lót lá, bánh nguội là xơi được. Bánh đúc ngô vàng óng, bùi bùi, the the (mà không hề nồng) chút vị vôi, lại ngầy ngậy. Đấy là món ngon trong thời thơ bé mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.
Bánh đúc gạo thường được quấy với lạc. Bánh thường được làm bằng gạo ngon, lạc ninh nhừ và bùi. So với bánh đúc ngô thì bánh đúc gạo rõ là “sang” hơn, nom mướt, mềm, nõn nà hơn. Ăn bánh đúc gạo cần thêm nước chấm, thường là tương Bần. Nếu có thêm đậu rán và rau thơm, kinh giới nữa thì càng tuyệt.
Bánh đúc chấm tương rất phổ biến, đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, những người có “khẩu vị mạnh” thì ưa chấm mắm tôm chanh ớt mà như lời các cụ nói thì ngon đến độ “tan” cả cửa nhà.
Bánh đúc lạc là thứ quà bình dân bán quanh năm. Ở Hà Nội, các bà, các chị đi bán rong hoặc bán online thường kèm với gói tương Bần thơm ngọt. Đĩa bánh đúc trắng ngà, tương gừng nâu nâu, đậu rán vàng ruộm và những lá rau thơm xanh nõn. Xơi món này cho bữa sáng thật thích hợp.
Ngoài cách xơi “bẻ ba” rồi “mắm tôm quệt ngược”, thì bánh đúc còn có vài cách chế biến nữa. Ngày hè, một vài chợ ở Hà Nội có hàng bánh đúc nộm. Bánh đúc gạo (không lạc) được thái sợi, ít rau ghém lót dưới, một nhúm giá trần rải lên trên, rồi chan nước canh (mà thành phần chính là lạc giã thật nhuyễn). Trong tiết nóng nực, bát bánh đúc nộm mát rượi, thanh thanh, làm tỉnh cả người. Cũng có hàng bán riêu cua bánh đúc, ăn cũng rất ngon.
Thu Hằng – Nhung Nguyễn/nguoihanoi.com.vn