Tương truyền, nghề làm chè lam Thạch Xá có từ thế kỷ XV, do dân làng nghĩ ra, dựa trên những nguyên liệu chay tịnh, mộc mạc của làng quê nhằm dâng cúng Phật và tổ tiên trong dịp lễ Tết hay tuần rằm. Để có món chè lam dẻo thơm, người Thạch Xá rất cầu kỳ trong khâu chọn nguyên liệu, gồm gạo nếp cái hoa vàng loại ngon, gừng ta nhỏ nhưng rất thơm và cay, lạc được lấy từ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh – nơi có điều kiện thổ nhưỡng cho giống lạc ngọt, bùi hơn hẳn những nơi khác, và nguyên liệu cuối cùng không thể thiếu là mạch nha, mật mía.
Trước kia, các công đoạn làm chè lam thường được thực hiện thủ công, dựa trên kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, nhiều gia đình ở Thạch Xá đã đầu tư cho hệ thống máy móc hiện đại để tăng năng suất và giảm nhân lực. Để có mẻ chè lam ngon, cần trải qua nhiều công đoạn. Trước hết là khâu rang thóc, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, liên tục đảo đều trên bếp. Nếu quá lửa, thóc sẽ bị cháy, mất mùi thơm. Nếu non lửa, thóc sẽ không thể nổ thành bỏng để nghiền thành bột làm nhân bánh và lớp “áo bột” phủ ngoài.
Tiếp đó, người ta nấu mạch nha, mật mía và một chút mỡ thành một hỗn hợp đặc sánh, ngả màu nâu cánh gián rồi cho lạc rang, gừng giã nhỏ, bột vào và trộn đều. Khi bột dẻo, sánh, người ta đổ ra khay, cán phẳng rồi dùng một cái thước gỗ to bản để cắt thành các miếng bánh đều nhau. Cuối cùng là phủ lên trên bánh lớp “áo bột” trắng mịn để bảo vệ bánh không bị khô, dính và mất hương vị.
Ngày nay, người dân Thạch Xá không chỉ giữ gìn cách làm truyền thống mà còn sáng tạo, kết hợp thêm nhiều hương vị khác như vị gấc, sầu riêng, lá dứa… nhằm phục vụ các đối tượng khách ở các vùng, miền trên cả nước. Năm 2004, làng nghề chè lam Thạch Xá đã được công nhận là Làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, chè lam Thạch Xá đã trở thành một trong những đặc sản được nhiều du khách chọn mua làm quà tặng người thân sau khi tham quan chùa Tây Phương và Thủ đô Hà Nội.
Hương Thanh/nguoihanoi.com.vn