Để đạt được kết quả đó, đội ngũ nhà giáo đã cố gắng hoàn thiện về mọi mặt qua nhiều phong trào, cuộc vận động, trong đó có việc hưởng ứng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Qua 4 năm triển khai, giải thưởng đã, đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động lần đầu tiên vào năm học 2017-2018 nhằm động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, sáng tạo những giải pháp, ý tưởng mới để vận dụng vào thực tiễn, tạo ra những chuyển biến tích cực ở mỗi nhà trường. Đây cũng là giải pháp của ngành Giáo dục Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từ đó giảm dần khoảng cách về chất lượng ở các trường học trên địa bàn thành phố, nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, hai tiêu chuẩn cơ bản để xét tặng giải thưởng là tâm huyết với nghề và đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp được ứng dụng hiệu quả. Đây không chỉ là “thước đo” cho Ban Tổ chức trong quá trình xét tặng, mà còn là những tiêu chuẩn của mỗi nhà giáo Hà Nội cần hướng tới, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo Thủ đô mẫu mực.
Minh chứng cho những tác động từ Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” là sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của đội ngũ giáo viên trong thời gian qua, với 100% số thầy, cô đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ nhà giáo có trình độ đào tạo trên chuẩn cao. Hà Nội vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Bà Trần Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho biết: “Các thầy, cô giáo luôn tìm kiếm, ứng dụng nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh, nhất là với những em có khó khăn trong học tập, giúp các em tự tin đến trường, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn”.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” đã tạo động lực để đội ngũ nhà giáo không ngừng hoàn thiện cả về chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục ở các nhà trường ngày càng đồng đều hơn, tình trạng xin học trái tuyến giảm hẳn.
Lan tỏa những sáng kiến vì học sinh
Qua 4 năm triển khai, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” ngày càng khẳng định sức hút mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực đối với mỗi nhà trường trong việc vận dụng những sáng kiến của nhà giáo để giải quyết khó khăn, nâng chất lượng giáo dục. Mỗi nhà giáo – dù ở độ tuổi nào, cũng luôn nỗ lực hoàn thiện mình và có chung mục đích đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò.
Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết, cô giáo Đặng Hoàng Hà, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đã không ngừng tự học kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các bài học thành các thước phim hoạt hình, gắn nội dung bài học với các tình huống thực tế, biến giờ học vui như giờ chơi. Học sinh không chỉ hứng thú với bài giảng hơn, mà còn có sự gắn kết, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau.
Dù đã ngoài 80 tuổi, song tâm huyết, sự sáng tạo của thầy giáo Vũ Tất Tạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung học phổ thông Lê Ngọc Hân (huyện Gia Lâm) chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Với đặc thù của một trường ngoài công lập có “đầu vào” thấp, câu hỏi luôn khiến thầy Vũ Tất Tạo trăn trở là làm thế nào để sau 3 năm học, “đầu ra” của trường ngang bằng với nhiều trường khác. Nhiều giải pháp đã được đặt ra, như xây dựng mô hình học tập cho từng khối; kiểm tra thường xuyên, thực chất hằng tháng; khuyến khích học sinh tiến bộ; hỗ trợ học sinh yếu, kém… Kết quả, tỷ lệ học sinh nhà trường tốt nghiệp trong 5 năm gần đây đã có chuyển biến rõ, trong đó có 3 năm đạt 100%… Tấm gương thầy giáo Vũ Tất Tạo đã truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên trẻ về lòng tận tâm, nỗ lực vượt khó trong sự nghiệp “trồng người”.
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục phát động Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ năm, với mục tiêu không chỉ tạo không khí thi đua, mà để mỗi nhà giáo, dù ở độ tuổi nào cũng luôn giữ được lửa nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo, vận dụng những ý tưởng, giải pháp hay để giải quyết khó khăn trong giảng dạy.
“Mỗi nhà giáo nhận giải thưởng là vinh dự, song cũng là nhận trách nhiệm để vừa tiếp tục phát triển bản thân, vừa truyền lửa, tạo sự lan tỏa trong toàn đội ngũ về sự nhiệt huyết, sáng tạo, góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước”, bà Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
HN/ nguoihanoi.com.vn