Ban đầu, các sản phẩm này chỉ mang tính phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Càng về sau, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân Thu Hồng, những sản phẩm làm từ tre trúc của người làng được dân khắp nơi ưa chuộng, trở thành hàng hóa lúc nào không hay. Nhiều gia đình trong làng đã làm nghề hàng trăm năm và trải nhiều đời như gia đình ông Phan Văn Bàng hiện nay đã truyền nghề cho con cháu đến 4 đời. Ngày nay, mặc dù số người theo nghề ở làng Thu Thủy không còn nhiều như xưa nhưng người thợ làng tre trúc nơi đây vẫn lưu truyền cho nhau những ngón nghề không ai bắt chước được. Họ đục tre bằng tay vừa bén, vừa chắc không thể vỡ. Bí quyết làm nghề của người Thu Hồng không có nơi đâu bì được. Một cây tre rất cong, người thợ có thể “lấy mực” mà không cần phải dây. Kỹ thuật đục, các lỗ đục khi cắm các thanh xà vào nhau cũng rất im, bén chắc mà không vỡ mối đục. Đó là kinh nghiệm của nhiều đời làm nghề truyền lại, là tinh hoa của bao năm gắn bó với nghề.
Ngoài nổi tiếng với nghề tre trúc thì làng Thu Thủy cũng còn lưu truyền nét văn hóa đặc sắc của một vùng đất cổ, trong đó có nhiều nét gia phong đặc sắc đã trở thành truyền thống, thành văn hóa của cộng đồng làng mà lệ rể con là một minh chứng cụ thể, rõ nét nhất.
Lệ rể con ở Thu Thủy là lệ của làng dành cho những người làm rể của làng với mong muốn gắn kết tình cảm chặt chẽ hơn, không tạo ra sự kỳ thị, phân tách “dâu con, rể khách”. Theo lệ xưa, cứ đến ngày 12 tháng 9 âm lịch hằng năm làng sẽ tổ chức lễ rể con cho các chàng rể là người làng khác đến làng cưới vợ, ở rể trong làng. Ngày này cũng chính là ngày hội chung của cả làng nên hội làng xưa còn được gọi là lễ rể con. Vào ngày này, tất cả những người lấy vợ ở làng (rể của làng) đều sắm sửa lễ vật (không quy định cao thấp) tập trung về nhà trưởng họ, sau đó ông trưởng họ dẫn ra nghè để làm lễ. Nghè của làng Thu Thủy xưa thờ một bà công chúa, nhưng rất tiếc hiện nay thần tích, gia phả và sắc phong của nghè làng đã thất lạc nên không ai còn nhớ được tên tuổi của vị công chúa này. Theo các cụ cao niên trong làng thì vốn trước đây bà công chúa này được thờ ở đền Bà Đanh. Tương truyền ngôi đền rất thiêng, thờ công chúa, em của vua An Dương Vương, nếu người nào đi qua không kính cẩn ngả mũ, lập tức bị ngài vật (bị ốm đau, thậm chí qua đời). Chính vì vậy, dân làng đã quyết định xoay hướng đền, từ hướng chính Bắc sang hướng Đông Bắc. Đồng thời, dựng nghè ở bên dòng Cà Lồ về phía Đông Bắc, quay lưng vào làng và quay mặt ra sông Cà Lồ, ngay cạnh cổng làng để thờ vọng bà.
Trong lễ rể con, sau khi các thủ tục hành lễ ở nghè được tổ chức xong, các chàng rể sẽ theo về nhà thờ tổ hoặc chia về các gia đình để tổ chức cỗ bàn linh đình. Việc tổ chức ăn uống trong buổi lễ rể con rất phóng khoáng, khoa trương nhưng không thiên về ăn uống, mà chủ yếu là sự giao lưu. Các chàng rể tùy theo điều kiện kinh tế của mình mà sắm lễ, chứ không bắt buộc lễ phải như thế nào. Sau đó lễ này được gộp chung lại và tổ chức ăn uống chung, không phân chia ai ít, ai nhiều. Nếu thiếu thì dòng họ sẽ trích thêm tiền quỹ họ để ủng hộ cho các chàng rể chứ không bắt ai phải đóng góp thêm.
Trước kia, bên cạnh việc tổ chức lễ rể con, làng Thu Thủy còn có tục lệ rể góp gạch xây đường làng. Tuy nhiên đến nay, chỉ có lệ rể con được duy trì với mong muốn bày tỏ lòng hiếu khách, quý trọng con người của dân làng. Và, cũng là để cho các chàng rể thể hiện lòng hiếu thuận, kính trọng của mình đối với văn hóa, truyền thống, dân làng Thu Thủy nói chung, với tổ tiên dòng họ nhà vợ nói riêng. Vì thế, khi cúng lễ thì chỉ có các chàng rể, nhưng khi tổ chức ăn uống, tiệc tùng thì có mặt tất cả đinh tráng của cả họ. Đây được coi là dịp họp họ thứ hai của các dòng họ làng Thu Thủy. Đôi khi, các dòng họ có thể cùng tổ chức với nhau lễ rể con nên có năm, lễ rể con được tổ chức hoành tráng như một ngày hội của cả làng.