Khuê Văn các hiện lên đầy mới mẻ qua những bức ký họa

Khuê Văn các là biểu tượng văn hóa của Thăng Long – Hà Nội từ nhiều đời nay. Nó là biểu tượng đỉnh cao của trí tuệ, là sự khái quát, khẳng định chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC sử dụng màu nước của tác giả Nguyễn Huy Tú, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội).

Chúng ta đều biết Văn Miếu kinh đô Thăng Long được xây dựng lần đầu tiên vào mùa Thu, tháng 8 năm Canh Tuất (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử – Tăng Tử – Tử Tư – Mạnh Tử). Từ đó trở đi, nhà nước quân chủ Việt Nam quy định nghi lễ bốn mùa cúng tế tại Văn Miếu kinh đô. Đến năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông lại dựng Quốc Tử giám, chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào học.
Văn Miếu và Quốc Tử giám được xây dựng đã chính thức mở đầu cho nền giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói việc thành lập Văn Miếu – Quốc Tử giám là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần tự lập, tự cường, tinh thần chủ động vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao văn hóa trong khu vực của cha ông ta. Đồng thời, Văn Miếu – Quốc Tử giám cũng là những bằng chứng rất cụ thể, rất thuyết phục về một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng học vấn, đề cao tri thức, và tôn thờ văn hóa.
Vào đầu triều Nguyễn, năm 1805, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn các. Khuê Văn các trước nay được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Đại ý rằng: “Khuê” tức là ngôi sao sáng, Khuê Văn các là biểu hiện đỉnh cao của trí tuệ, là sự nhắc lại chân lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên văn bia Văn Miếu.

Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC sử dụng bút sắt với gam màu đen trắng của tác giả Đặng Viết Lộc, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội.

Khuê Văn các có 8 mái, 2 tầng, nóc ở trên là 9. Theo Kinh Dịch, các số lẻ là dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở. Gần Khuê Văn các là Thiên Quang tỉnh hình vuông, tượng cho mặt đất, các cửa sổ tròn của gác Khuê Văn tượng cho bầu trời, là nơi tập trung mọi tinh hoa của đất trời… Bởi thế, Khuê Văn các là biểu tượng cho mong ước phát sinh, phát triển của con người, vừa phù hợp với tư duy, ước vọng của người xưa, vừa đáp ứng được mong muốn phát triển của thời nay. (Chuyển dẫn theo Đức Huy, “Vằng vặc sao Khuê”…).

Tác phẩm GÓC NGHIÊNG KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Nguyễn Minh Hoàng, Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội.

Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát. Bốn mặt bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê văn các. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng rất có ý nghĩa.

Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC kết hợp giữa màu nước và bút sắt để ký họa về khung cảnh Khuê Văn Các bên khu vườn bia Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.

Khuê Văn các là biểu tượng thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học của đất nước xứng đáng là công trình văn hóa biểu tượng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Năm 1997, Khuê Văn các đã được UBND thành phố Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô, và Khuê Văn các từ lâu cũng trở thành đề tài sáng tác của nhiều nhiếp ảnh gia.

Đầu năm 2021, cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với trường Đại học Xây dựng và một số trường Đại học thuộc khối Kiến trúc, Mỹ thuật tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của văn phòng UNESCO Việt Nam, được tổ chức đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, đặc biệt là với các bạn trẻ. Các tác phẩm kí họa đã cho thấy “góc nhìn của tuổi trẻ” về các giá trị di sản văn hóa của cha ông ta để lại, đặc biệt là công trình kiến trúc Khuê Văn Các.

Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Âu Thái Sơn, Trường Đai học Xây dựng, Hà Nội.

Với vẻ đẹp trang nhã, ấn tượng công trình kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 đã trở thành đề tài sáng tác của rất nhiều các bạn sinh viên tham gia cuộc thi. Qua con mắt và dưới ngòi bút của các bạn trẻ, Khuê Văn các hiện lên trong các tác phẩm đầy mới mẻ, cuốn hút với đa dạng chất liệu và góc nhìn.

Một số tác phẩm tại Cuộc thi:

Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Dương văn Biên, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.
Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Đỗ Tiến Dũng, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.
Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Vi Thị Nguyệt, Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội.
Tác phẩm KHUÊ VĂN CÁC của tác giả Phạm Văn Tuấn, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.

Bảo Hân / nguoihanoi.com.vn

Ảnh: VMQTG