Kẻ Mơ – một vùng văn hóa cổ Thăng Long

Ngày nay, Kẻ Mơ đã trở thành nội đô, là những phố, phường thuộc quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Người Kẻ Mơ vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa và nghề truyền thống, đặc biệt là Kẻ Mơ hiện vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa như: Đình, nghè Mai Động thờ Tam Trinh, vị tướng, nhà giáo và còn truyền dạy nghề đấu vật.

Mấy chục năm gắn bó với vùng đất Kẻ Mơ, tôi luôn tự hào vì gia đình mình đã chọn đất này để an cư, bởi đây là vùng đất cổ của Thăng Long ngàn xưa, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất Kinh kì.

Kẻ là từ chung chỉ một vùng đất và dân cư trù phú. Thăng Long xưa được gắn với từ Kẻ – Kẻ Chợ. Trong Kẻ Chợ còn có nhiều kẻ nhỏ hơn như Kẻ Vẽ, kẻ Mơ, kẻ Chèm…Kẻ Mơ là vùng Cổ Mai, vốn thuộc huyện Vĩnh Thuận, tiếp giáp với huyện Thọ Xuân nội thành. Chủ yếu từ cửa Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác trải dài đến hai xã Trần Phú và Yên Sở, huyện Thanh Trì. Sông Hồng, sông Kim Ngưu đã bồi đắp phù sa cho vùng đất này thêm màu mỡ, để người dân cấy trồng, chăn nuôi và đánh bắt cá.

Người Kẻ Mơ chủ yếu trồng mơ – những rừng mơ bạt ngàn, ngút mắt, mơ vàng, mơ trắng, mơ hồng, dưới bầu trời xanh lồng lộng và những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện đã khiến cho vùng đất này có một vẻ đẹp như tiên cảnh. Chữ Hán gọi mơ là mai, nên còn được gọi là Cổ Mai, chữ Nôm gọi là Mơ – Kẻ Mơ. Mỗi loại mơ ở vùng Cổ Mai được gắn cho một tên làng như Hoàng Mai (mơ vàng, còn có tên Mơ Rượu vì chuyên nấu rượu mơ, rượu cúc), Hồng Mai (mơ hồng – nay là phố Bạch Mai), Bạch Mai (mơ trắng, còn có tên Mơ Thịt vì làng chuyên bán thịt), Tương Mai (còn gọi là Mơ Cơm vì làng này chuyên nấu cơm bán cho khách buôn từ phía Nam về Thăng Long), Tân Mai, Mai Động (Mơ Đậu – làm nghề đậu phụ, nuôi lợn, còn có tên Mơ Táo vì làng trồng nhiều táo) v.v. Người Kẻ Mơ đã tận dụng sản vật của quê hương để làm ra nhiều món ăn thức uống như ô mai mơ, nước mơ ngâm để uống giải khát, đặc biệt là rượu cúc và rượu mơ – Hoàng Mai, Kim Cúc được ngâm, ủ từ quả mai vàng và hoa cúc vàng thành Hoàng Hoa tửu. Sản vật của Kẻ Mơ nổi tiếng và nức tiếng gần xa. Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí đã viết rằng: Hoàng Mai có rượu tiến vua.

Rượu làng Mơ ngon nổi tiếng trong vùng, trở thành câu ca “ Rượu làng Mơ/ Cờ Mộ Trạch” hay “Rượu làng Mơ/ Thơ Kẻ Lủ”…

“Em là con gái Kẻ Mơ,

Em đi bán rượu tình cờ gặp anh

Rượu ngon chẳng quản be sành,

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Các xã Thụy Chương, Cương Vọng, Bình Vọng đều nấu rượu, duy rượu Hoàng Mai là ngon nhất”.

Tiếc rằng, nay nghề làm rượu cúc và rượu mơ nổi tiếng của Kẻ Mơ đã thất truyền.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Làng Tương Mai – Mơ Cơm rất nổi tiếng với món xôi lúa. Các làng Tương Mai, Mai Động có món đậu Mơ, món đậu phụ trắng mềm trong bữa cơm gia đình của người Hà Nội. Xôi lúa là món ăn gồm ngô nếp, gạo nếp, đậu xanh và hành củ xào mỡ lợn còn gọi là xôi ngô. Ca dao vùng Mơ có câu: Hành giòn đậu ngậy ngon lành/ Tương Mai nức tiếng Kinh thành xôi ngô.

Kẻ Mơ trù phú, sầm suất, dân cư đông đúc nên đã hình thành nên ngôi chợ nổi tiếng kinh thành, đó là chợ Mơ – ở làng Bạch Mai. Vũ Đình Hòe, trong hồi ký của mình đã viết về chợ Mơ những năm đầu thế kỷ XX như sau: “Ai đã phải đi chợ Tết sắm đồ lễ thì đều đến chợ Mơ mới tìm được thứ vừa ý, từ lợn gà, mắm tôm đến hoa đào, hoa mai, hương nén, hương vòng…Chợ Mơ xưa, nay vẫn còn, trở thành trung tâm thương mại. Xưa chợ Mơ họp một tháng 6 phiên, nay họp quanh năm, nhưng giữ tục cũ, vào ngày phiên hàng hóa đổ về chợ rất nhiều và người tới chợ mua bán cũng đông hơn rất nhiều”.

Theo các nhà nghiên cứu, từ khoảng 4.000 năm trước người Việt cổ đã về vùng đất này sinh cơ, lập nghiệp, người ta đã tìm ra những dụng cụ sản xuất, đồ trang sức bằng đá của người Việt cổ được mộ táng bên sông Hồng, sông Kim Ngưu. Tại gò Mã Vẽ nằm giữa hai làng Hoàng Mai và Tương Mai, người ta còn tìm thấy những ngôi mộ thời Đông Hán. Như thế đủ thấy vùng đất Kẻ Mơ đã tồn tại và phát triển như thế nào. Ngày nay, Kẻ Mơ đã trở thành nội đô, là những phố, phường thuộc quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Người Kẻ Mơ vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa và nghề truyền thống, đặc biệt là Kẻ Mơ hiện vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa như: Đình, nghè Mai Động thờ Tam Trinh, vị tướng, nhà giáo và còn truyền dạy nghề đấu vật. Hàng năm lễ hội và đấu vật làng Mai Động vẫn được tổ chức, thu hút đông đảo khách thập phương và các đô vật cả nước về dự giải. Vũ Bằng, trong Thương nhớ mười hai đã có những câu viết thật hay về lễ hội  và hội vật này.

Kẻ Mơ có chùa Tương Mai và đình Tương Mai khá đẹp, thờ Trần Khát Chân. Làng Hoàng Mai có đình thờ tướng Trần Hương, còn gọi là Trần Hãng. Làng còn có chùa Nga My nổi tiếng, bia ký còn ghi lại chùa này do Lý Đạo Thành cho xây dựng từ thời Lý. Ngoài ra còn có Đền Lừ, đình  Lĩnh Nam, chùa Hưng Ký cổ kính và khá đẹp …

Kẻ Mơ còn tự hào là vùng đất học. Vào triều Mạc, Tương Mai có hai vị đậu tiến sĩ. Trong các khoa thi Hương của triều Nguyễn từ năm 1837 – 1906, Hoàng Mai có 9 người đậu cử nhân. Riêng khoa thi năm 1879 họ Nguyễn ở thôn Đông có 3 người đậu cử nhân.

Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Tương Mai

      Kẻ Mơ còn tự hào là vùng đất cách mạng. Từ xa xưa, người Kẻ Mơ đã cùng các tướng lĩnh cầm cờ đánh giặc, những cái tên Tam Trinh, Trần Khát Chân,Trần Hãng, nay là Hoàng Văn Thụ, là những liệt sĩ, thương binh vì dân vì nước mà chiến đấu, hy sinh…là niềm tự hào của người dân nơi đây. Là vùng đất cổ của kinh kỳ Thăng Long xưa, Kẻ Mơ còn là nguồn cảm hứng cho nhiều áng thơ văn. Nguyễn Bính với những câu thơ tình bất hủ cũng lấy cảm hứng từ vùng đất này:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

(Tương tư)

 

Quỳnh Anh / nguoihanoi.com.vn