Người xưa nói “Vua chơi lan, quan chơi trà”, không phải ngẫu nhiên mà hoa lan lại được nhiều người yêu thích đến thế. Nhắc đến hoa lan là nhắc đến loài hoa vương giả mang vẻ đẹp đài các, ngọt ngào, tinh khiết và lãng mạn biết bao.
Việc trồng và chăm sóc lan không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là sự đồng điệu, nơi gửi gắm tâm hồn, ý niệm của người chơi lan. Nghề này không nặng nhọc chân tay nhưng cần sự tỉ mỉ, am hiểu kỹ thuật và ở một góc độ nào đó còn là tình yêu mãnh liệt với hoa lá, cỏ cây. Ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, tình yêu lan của những chủ vườn lan đang truyền cảm hứng làm đẹp, làm giàu trên quê hương.
Nghề trồng lan không nặng nhọc nhưng cần sự tỉ mỉ, am hiểu
kỹ thuật. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát)
Nằm ven sông Đáy, xã Đông La trở thành vùng nuôi trồng hoa lan rừng nổi tiếng cả nước và là địa chỉ quen thuộc của các nhà sưu tầm, nghiên cứu, kinh doanh hoa lan. Thật ngỡ ngàng khi đường vào Đông La bạt ngàn vườn lan lớn, nhỏ đầy xuân sắc trị giá hàng tỷ đồng. Nghề trồng lan trên đất Đông La cũng thật hữu duyên. Vào những năm 1990, một số người dân địa phương đi làm ăn ở vùng núi phía Bắc, thấy trên rừng có nhiều loài lan đẹp, họ yêu thích nên chuyển về trồng, chăm sóc, mày mò nhân giống, dần dần đầu tư các mô hình trồng lan để kinh doanh. Từ một vài hộ dân trồng, đến nay, cả xã có khoảng 300 hộ trồng lan, diện tích trên 20ha. Nhiều vườn lan lớn có thương hiệu ở thôn Đồng Nhân và Đông Lao đang cho thu nhập cao. Điều đáng quý là các chủ vườn lan, người chơi lan ở xã Đông La không những không giấu nghề, mà còn sẵn sàng kết nối đam mê, chia sẻ kinh nghiệm, thị trường để cùng nhau phát triển kinh tế, nhờ loài hoa này.
Lan đai châu đua nở với nhiều màu sắc.
Hơn 20 năm qua, những người nông dân chất phác, yêu quý ruộng vườn đã chắt chiu từng tấc đất, quý những giọt mồ hôi để dành trọn tâm huyết cho lan, quyết tâm gìn giữ và không ngừng học hỏi, trao đổi, sưu tầm những giống lan quý hiếm về nhà vườn. Nhiều nhà vườn như Trịnh Toàn, Huyền Chân, Thực Hà, Tạ Duy Lĩnh…đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng mô hình, nâng cao kỹ thuật chăm sóc để đưa ra thị trường những giò lan đẹp, có giá trị kinh tế cao. Với mỗi mô hình trồng lan, chủ vườn lại có những cách làm khác nhau, ý tưởng khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các loài hoa. Lan có nhiều loài nở hoa quanh năm, nhưng cũng có loài nở theo mùa, trong đó phải kể đến phi điệp. Vào dịp tháng 4, khi phi điệp đua nhau khoe sắc thắm, tỏa hương thơm ngát, cả vườn lan như bừng sức sống, đầy chất thơ.
Lan phi điệp khoe sắc thắm.
Lan Đông La giờ đây đã tỏa đi muôn nơi với nhiều chủng loại khác nhau, chủ yếu là các giống lan rừng như: Lan đuôi cáo, phi điệp, đai châu, tam bảo sắc, quế lan hương…Các giống lan này được nhập từ Lào, Campuchia, Thái Lan và vùng núi Việt Nam, được người Đông La thuần dưỡng và chăm sóc qua các năm rồi cung cấp cho thị trường. Các dòng lan phi điệp đột biến gồm: Bạch Tuyết, Hồng Mỹ Nhân, Hồng Minh Châu, Hồng Yên Thủy, Hồng Á Hậu…cũng được giới yêu lan săn lùng. Chơi lan là một tháng chơi hoa còn mười một tháng chơi lá, chơi mầm. Cây mẹ được nhân giống thành các kie (mầm từ các đốt trên thân cây). Các kie lan đột biến được bán với giá đắt đỏ, tính bằng centimet. Mỗi mắt lan nhú lên là “lão nông” chăm lan vui mừng khôn xiết. Để có được giống cây quý, người trồng chọn giống rất kĩ, tìm hiểu nguồn gốc, thậm chí muốn biết mặt hoa trổ trên thân cây. Tùy từng giò lan, dòng lan mà nhà vườn bán ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau.
Do trồng lan cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa nên chính quyền xã Đông La luôn khuyến khích, giúp đỡ bà con phát triển trồng lan để nâng cao kinh tế bằng việc phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lan; đồng hành với Hội nhà vườn hoa lan Đông La để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà vườn. Hiện, xã Đông La đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng diện tích trồng lan và làm giàu ngay trên đồng đất quê mình. Được biết, Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội đã về khảo sát để xem xét, đề xuất công nhận nghề trồng hoa lan ở Đông La là Làng nghề truyền thống.
Thú chơi tao nhã một thời, nay trở thành ngành kinh tế sinh thái, góp phần đổi thay đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Đông La. Mong muốn của chủ vườn lan, người chơi lan là tạo ra những cây lan khỏe mạnh, đẹp mắt, độc đáo, từ đó có thể lan tỏa tình yêu với loài hoa đẹp dịu dàng cả hương lẫn sắc này đến mọi người./.
Ngọc Trâm / nguoihanoi.com.vn