Người Hà Nội đóng góp lớn cho Hà Nội
Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 vừa vinh danh PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ ở hạng mục Giải thưởng Lớn. Sự tôn vinh này dành cho đóng góp lớn của một người Hà Nội luôn đau đáu tìm hồn cho mảnh đất Thăng Long-Hà Nội.
Ông sinh năm 1937 ở Hàng Cót (Ba Đình), quê gốc ở Hạ Đình (Thanh Xuân). Tốt nghiệp cấp 3, ông trở thành sinh viên Khóa 1 của Khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nhận tấm bằng cử nhân, là một trong những sinh viên xuất sắc, ông được điều dạy sử cho học sinh phổ thông. Ông gắn bó với sự nghiệp giáo dục phổ thông suốt 30 năm.
Mãi tới năm 53 tuổi, nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ chuyển về giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử do GS.TS. Phan Huy Lê lúc ấy làm Chủ nhiệm bộ môn. Ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996, nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2002.
Đầu những năm 1980, ông bắt đầu nghiên cứu sinh trong nước. Ông nhận tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại năm 1984. PGS. Nguyễn Thừa Hỷ chọn đề tài nghiên cứu về Hà Nội- mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Luận án “Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX: Kết cấu kinh tế-xã hội của một đô thị trung đại” được in thành sách, trở thành một trong những tác phẩm nghiên cứu lịch sử mẫu mực cho nhiều thế hệ nghiên cứu sau này.
“Vào thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long – Hà Nội ở các kho tư liệu quý là khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo hai ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó. Lúc ấy điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, nhưng vì đam mê nên tôi theo đuổi đến cùng”, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ.
Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, ông biên soạn cuốn “Kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” xuất bản đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, và sau đó được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2012.
Trong số những đầu sách của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ có thể kể tới: Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011), Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018); Thăng Long-Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018). Cuốn sách gần nhất này gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu trong giới, bởi nó chính là sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội, được đề cập trong công trình trước đó với cách viết gần gũi, đi vào những chủ đề hết sức thiết thực đối với Hà Nội.
Đánh giá về ông, PGS.TS. Vũ Văn Quân từng nhận xét: “Đọc Nguyễn Thừa Hỷ người ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức, sự lịch lãm trong văn chương nhất là những công trình về lịch sử và văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Có lẽ đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một văn hóa Thăng Long nghìn xưa với một văn hóa thị dân Hà Nội khá thuần thục thời cận đại”.
Yêu Hà Nội không chỉ nên tô hồng
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ dẫu ở tuổi 83 vẫn cần mẫn làm việc, có khi 8 tiếng/ngày. Sức làm việc và cống hiến của ông khiến nhiều người kinh ngạc. Ông cười: “Ở tuổi này tôi cực kỳ thấm thía câu nói được làm những gì mình thích là hạnh phúc. Tôi có thể làm việc ngày 8 tiếng, khi nào mệt thì nghỉ chứ không làm quá sức. Tôi luôn chuẩn bị tâm thế có thể ngày mai sẽ ra đi bất chợt”.
Những trăn trở của ông về Hà Nội chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cuốn sách năm 2018 Thăng Long-Hà Nội trong mắt một người Hà Nội thể hiện rõ điều đó. Ông nêu quan điểm về việc phân chia người Hà Nội “sai lầm” suốt thời gian qua-người Hà Nội gốc và người tứ xứ nhập cư. “Tôi chỉ cần biết một người sống ở Thủ đô có yêu thương, hiểu biết và đóng góp gì cho thành phố này hay không”, ông nói.
Phần cuối của cuốn sách mang tên Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long – Hà Nội. Ông chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, mong mỏi về cuộc cách mạng trong đời sống thị dân Hà Nội.
“Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa thanh lịch, trọng chữ tín? Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói vô cảm đáng báo động…Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng. Cho đến nay, đáng tiếc chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự phân tầng xã hội của cộng đồng thị dân Hà Nội đương đại”, ông viết.
Nhìn vào bức tranh đa sắc của Hà Nội, ông nói rằng yêu Hà Nội đâu cứ phải tô hồng. “Ai cũng phải công nhận Hà Nội bây giờ thay đổi đến chóng mặt. Nhưng sự đàng hoàng không phải chỉ ở những tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại. Con người còn phải có nhân cách tử tế, tức là chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến phần đạo đức nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ.
Dành thời gian nghiên cứu “đào quặng” như cách ví von của ông về người làm sử, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ vẫn dành thời gian hướng dẫn một số nghiên cứu sinh. “Hà Nội còn vô vàn những góc cạnh để nghiên cứu. Tôi hy vọng nhiều bạn trẻ có thể tiếp bước những thế hệ đi trước để lại”, ông nói.
Kỳ Sơn/MASK