Hữu xạ tự nhiên hương
Thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tôi không ít lần lang thang ở những làng nghề nơi xứ Đoài này. Những dịp ấy, trên mảnh đất Thạch Thất, tôi đã thăm nhiều làng nghề như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá (Phùng Xá), làng nghề mộc, may Hữu Bằng (Hữu Bằng), làng nghề mây, tre giang đan xuất khẩu Thái Hòa, Phú Hòa, Bình Xá (Bình Phú), làng nghề mộc Chàng Sơn (Chàng Sơn), làng nghề mộc, xây dựng Canh Nậu (Canh Nậu), làng nghề mộc, xây dựng Dị Nậu (Dị Nậu), làng nghề chè lam Thạch Xá (Thạch Xá)… mỗi một nơi lại cho thấy sức sống bền bỉ, sự lưu truyền các sản phẩm thủ công chứa đựng các giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú.
Nghề chế tác đá ong ở xã Bình Yên. (Ảnh: Giang Nam) |
Còn nhớ, lần ghé đến những ngôi làng quy tụ nghệ nhân lưu truyền nghề “thổi hồn” cho gỗ để tạo dựng những nếp nhà cổ quanh Hà thành, tôi đúc kết ra rằng với nghề này hẳn chẳng nơi đâu thợ lành nghề và vượt qua được Hương Ngải ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), làng Phù Yên ở xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) hay làng Áng Phao ở huyện Thanh Oai…
Với Hương Ngải, nơi đây đã nổi tiếng từ xa xưa với nghề dựng nhà cổ. Tính đến nay, mảnh đất này đã sản sinh ra không ít nghệ nhân với tay nghề cao khó nơi đâu bì được. Lần giở quá khứ cũng có thể thấy, ở Hương Ngải đã có không ít thợ từng tham gia phục hồi Nhà Thái Học trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tu tạo chùa Hòe Nhai (đều ở nội thành Hà Nội), nhiều nhà cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu du lịch Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh)… đây đều là những công trình mang tầm vóc với ý nghĩa lịch sử lớn.
Một điểm đặc trưng của nhà gỗ cổ mà người thợ Hương Ngải làm là mọi chi tiết đều làm bằng gỗ. Nói cách khác, thay vì dùng đinh, vít để liên kết người thợ sẽ sử dụng mộng, các cấu kiện được chạm trổ hoa văn mềm mại, tinh tế. Nhà gỗ có độ bền cao, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển khi cần thiết. Do đó, nhiều người có điều kiện kinh tế thường dựng nhà gỗ để ở và cũng coi như một thú chơi.
Để dựng được một ngôi nhà cổ, người thợ phải “đa năng” và hội tụ nhiều hiểu biết. Hay có thể hiểu, người thợ Hương Ngải đều là những người biết và am tường từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng. Bởi theo quan niệm xưa, một ngôi nhà vừa đẹp, chất lượng tốt, vừa phải đảm bảo yếu tố tâm linh phong thủy. Vì vậy, người thợ cần phải am hiểu về thuật phong thủy và có tâm sáng mới làm được nghề. Theo những nghệ nhân làng nghề, việc lựa gỗ tưởng đơn giản, nhưng lại cần nguyên tắc riêng. Kinh nghiệm của người thợ nơi đây là khi chọn gỗ phải chú ý, không dùng gỗ cưa cụt ngọn, hoặc cây bị sét đánh bởi như thế sẽ làm mất lộc của gia chủ.
Cùng với nghề làm nhà gỗ cổ truyền, nghề làm chuồn chuồn tre, xã Thạch Xá cũng đã và đang tạo nên một sản phẩm lưu niệm đặc sắc, giúp những giá trị truyền thống của Việt theo cánh chuồn chuồn tre “bay” ra thế giới. Những chú chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đặc biệt ở chỗ, dù không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào, nhưng chúng lại có khả năng đứng thăng bằng một cách ngoạn mục ở mọi vật liệu.
Tự hào với đất nghề
Có một điểm ấn tượng từ những làng nghề ở Thạch Thất mà tôi thấy được, ngoài sức sống bền bỉ, những làng nghề đều “hữu xạ tự nhiên hương”. Nghĩa là, bằng chất lượng và uy tín của mình, những mối hàng, hay khách thập phương có nhu cầu đều tự tìm đến làng nghề. Người nọ thấy sản phẩm tốt và chất lượng thì đều rỉ tai nhau để tìm đến.
Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, làng nghề thủ công truyền thống của Thạch Thất đã phát triển nhanh chóng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế cũng như giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đặc biệt, việc duy trì và phát huy hiệu quả các làng nghề, nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện lại càng có ý nghĩa thiết thực và quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Nghề dựng nhà cổ. (Ảnh: Giang Nam) |
Chẳng khó để thấy khi một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ triển lãm và quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau. Hơn thế, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau triển khai, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề để nông nghiệp huyện Thạch Thất từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng thêm thu nhập ổn định cho người dân.
Hiện huyện Thạch Thất đang tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ để cải thiện hơn nữa chất lượng đời sống người dân.
Trở lại câu chuyện những nghệ nhân và làng nghề ở Thạch Thất, có thể nói không ngoa, nghệ nhân chính là linh hồn của làng nghề mà người ta quen gọi là “báu vật nhân văn sống”. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận hiện nghệ nhân và làng nghề đang phải đối rất nhiều khó khăn. Bên cạnh khuyết thiếu việc vinh danh các nghệ nhân, thiếu sự động viên, quan tâm về mặt tinh thần cũng như vật chất, những nghệ nhân và làng nghề còn đang phải “tự bơi” trong nền kinh tế thị trường.
Chẳng hạn, trong dịp ghé phường rối nước Chàng Sơn, ông Nguyễn Văn Dậu – Trưởng phường rối nước Chàng Sơn chia sẻ, trăn trở lớn nhất của ông là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của phường rối. Các đạo cụ biểu diễn đã xuống cấp rất nhiều. Việc tạo ra một bộ rối mới hoàn chỉnh cũng cần nguồn chi phí rất cao. Cùng đó, không ít những nghệ nhân đã phải bỏ nghề vì những khó khăn của cuộc sống. Còn lại số ít những nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông Dậu, muốn gắn bó với rối nước của Chàng Sơn thì đã bước sang tuổi xế chiều.
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Liên – nghệ nhân làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá thì lại mong mỏi dịch Covid-19 sớm qua, để những cánh chuồn chuồn tre lại có thể thỏa sức khoe sắc với khách thập phương ở các điểm du lịch. Để cánh chuồn chuồn tre lại “tung bay”, tiếp thêm sức sống cho làng, cho nghề và cho những nghệ nhân.
Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu – một trong những người được mệnh danh “đôi bàn tay vàng” trong nghề chế tác đá ong ở xã Bình Yên lại lo rằng những giá trị tinh hoa cùng nét đặc trưng của nền văn hóa đá ong sẽ dần không còn khi nguồn nguyên liệu khai thác dần cạn kiệt. Cùng đó là những nghệ nhân làm đá ong đang ngày càng vắng bóng mà cả những dấu ấn từ đá ong trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây cũng đang mai một đi trông thấy.
Rõ ràng, phát huy giá trị làng nghề trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống thu nhập của người dân là một trong những công việc quan trọng bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trước làn sóng thị trường, sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp, phải chăng chúng ta nên nhìn vào thực tế là không ít sản phẩm làng nghề truyền thống bị mai một. Chúng ta tự hào, nhưng không thể tự hào suông. Tự hào phải gắn trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ. Nói cách khác, để lưu giữ tinh hoa làng nghề, nhìn từ góc độ làng nghề và nghệ nhân ở Thạch Thất mở rộng ra có thể thấy từ mỗi làng nghề, các cấp chính quyền cần vào cuộc thực chất, chủ động hơn trong phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Thêm vào đó, các vùng đất có nghề cần chú trọng việc đào tạo truyền dạy nghề, xem đây là công việc rất bức thiết.