Ngày 10/10/1954 những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô (Ảnh: Tư liệu) |
67 năm sau, bên cạnh những di tích, kiến trúc cũ để lại như cột Cờ Hà Nội, Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội; đặc biệt là sự phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị |
Cùng với các kiến trúc cổ như tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn…, hồ Gươm không chỉ là điểm đến được yêu thích mà còn là nơi gắn bó, tình yêu và niềm tự hào của người Hà Nội. Với họ, dù sống ở đâu, mỗi khi nhắc đến Hà Nội là lại nhớ về hồ Gươm với nỗi niềm tha thiết. |
Tiết thu giữa tháng 10 càng khiến Hà Nội đẹp hơn, xao xuyến hơn với những cơn gió se lạnh quyện trong hương hoa sữa nồng nàn, mùi cốm nếp mới rong ruổi theo chân những gánh hàng rong len lỏi khắp các ngõ phố… |
Trung tâm Hội nghị Quốc gia (địa chỉ số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội), là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại Thủ đô. Đây là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị lớn, các hoạt động chính trị, thương mại mang tính quốc gia và quốc tế. |
Kiến trúc của công trình được chọn từ phương án “Lượn sóng biển Đông” do chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức Meinhard Von Gerkar và Nikolaus Goetze thiết kế, theo ý tưởng cảnh quan di sản thế giới Vịnh Hạ Long. |
Đây là 1 trong số 3 Trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Ðông Nam Á. |
Tồn tại đã hơn 4 thế kỷ, đường Thanh Niên xưa mang tên Cổ Ngư chạy dọc nối từ Yên Phụ về Thụy Khuê. Con đường mát rượi, xanh tươi là ranh giới giữa một bên là hồ Tây mênh mông rộng lớn, phía còn lại là hồ Trúc Bạch nhỏ nhắn nên thơ. |
Đại lộ Võ Chí Công “thay da đổi thịt” từng ngày. |
Cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù thì cầu Nhật Tân cũng ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đây là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội. |
Cầu vượt tại nút giao Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên nằm trong quy hoạch Vành đai 2,5, có tổng mức đầu tư khoảng 560 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. |
Đây là một trong những công trình cầu vượt có quy mô lớn nhất Thủ đô, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại đây nhiều năm qua. |
Dự án xây dựng, mở rộng nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc địa phận quận Long Biên, Hà Nội) đã chính thức thông xe vào ngày 9/1. |
Khi đi vào hoạt động, nút giao thông này sẽ tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra, vào được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. |
Toàn cảnh Đại lộ Thăng Long giao cắt đường Phạm Hùng, một trong những giao lộ sầm suất bậc nhất Thủ đô. Những khoảng không gian xanh mát, dọc hai bên đường đại lộ. |
Đại lộ Thăng Long sáng, xanh, hiện đại, “cửa ngõ” phía Tây Thành phố. |
Bảo tàng Hà Nội bề thế ngay cạnh công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khánh thành vào ngày 6/10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nơi lưu giữ tới hàng vạn hiện vật quý về Thủ đô. |
Tòa nhà kim tự tháp ngược khổng lồ của Bảo tàng Hà Nội có diện tích 54.000m2, cao 30,7m. Người dân Thủ đô và du khách đều có chung mong muốn Bảo tàng Hà Nội sẽ tìm ra “cách kể chuyện” hiện đại và giàu sức hấp dẫn hơn qua các phương án trưng bày hiện đại, từ đó thu hút du khách, trở thành một điểm đến mới đầy ấn tượng. |
Hà Nội là một trong 5 thành phố tiêu biểu đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, với biểu tượng là Công viên Hòa Bình được đánh dấu cho sự kiện này. Tính đến hiện tại, Hà Nội vẫn là thành phố duy nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có danh hiệu này. |
Tượng đài Hòa Bình được coi là điểm nhấn. Tượng đúc bằng đồng nặng khoảng 20 tấn, cao 7,2m, đặt trên đài đế cao 22,8m. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Bên cạnh đó còn có hồ điều hòa với diện tích 5,54ha (chiếm 27,24% diện tích). |
Những năm gần đây, Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh đã vươn mình trở thành một đô thị bề thế với nhiều công trình nổi bật. |
Sau 67 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã và đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất khu vực và xứng đáng là trái tim của cả nước. |
Song song với sự phát triển của những khu đô thị mới hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được những nét cũ mà không bị lạc hậu. |
Những con đường nhiều làn xe cùng các cây cầu kịp thời được xây dựng lên đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời làm giảm thiểu đáng kể nạn ùn tắc giao thông. |
Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, Hà Nội đang tích cực làm sạch các hồ nước cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ. Đây được ví như lá phổi xanh điều hòa và thanh lọc không khí cho Thủ đô. |
Công viên Cầu Giấy, một trong những điểm vui chơi được nhiều người lựa chọn ở Thủ đô. |
Cùng với đó, nhiều địa phương tích cực chỉnh trang, cải tạo môi trường sống. |
Thời gian gần đây, đi qua khu vực mương Trúc Bạch (quận Ba Đình), nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi cảnh sắc nơi đây. Hàng trăm chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu cùng những hình ảnh tranh bích họa phố cổ Hà Nội và pano tuyên truyền về “Bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa” đã được trang trí tại khu vực bờ mương |
Bên cạnh sự phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, trong những năm qua, các tuyến đường vào Thủ đô cũng được đầu tư bằng những tuyến đường cao tốc hiện đại (Ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình) |
Tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng mới đoạn qua huyện Gia Lâm. |