Đến thăm Công viên thực vật cảnh Việt Nam của ông Đào Mạnh Hùng ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến quy mô của trang trại trồng tới hơn 2.000 giống hoa này. Ông Hùng cho biết, ông đang trồng và theo dõi, nhiệt đới hóa 270 giống hoa hồng, sưu tầm, theo dõi hơn 2.000 giống hoa cây cảnh trang trí đô thị, mỗi năm cho doanh thu hơn 3 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục nhân công.
Trong 5 năm qua, ông Hùng đã đầu tư khoảng 12 tỷ đồng để cải tạo thêm từ 3 ha đất hoang hóa, đất trồng, xen kẹt thành một vườn hoa cảnh lớn, đa dạng, thu hút cả trăm ngàn lượt khách về địa phương để tham quan, trao đổi kỹ thuật ươm trồng và mua bán giống cây. Tất cả tác phẩm trong công viên đều được tái chế từ vật dụng hỏng, rác thải của môi trường, để trở thành các tác phẩm nghệ thuật.
Mô hình Công viên sinh vật cảnh Việt Nam của ông Đào Mạnh Hùng. |
Công viên thực vật cảnh Việt Nam do ông Hùng làm chủ còn là nơi thu hút học sinh Thủ đô tới học tập, trải nghiệm; nơi tổ chức các hội thảo về sinh vật cảnh của các hiệp hội yêu thích sinh vật cảnh; tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật bonsai, về kỹ thuật cây trồng trong bồn chậu.
Anh Nguyễn Thành Luân – quản lý của Công viên thực vật cảnh Việt Nam, chia sẻ: “Vào mùa cao điểm, hoa nở rộ, một ngày công viên đón từ 300 đến 500 lượt khách tham quan, lượng khách đông tới mức chỉ nhận các đơn vị đã có lịch hẹn trước”. Được biết, mỗi năm ông Hùng phải trả hơn nửa tỷ đồng tiền thuê đất, cùng gần 3,3 tỷ đồng cho lương của hơn 30 người lao động. Tuy nhiên, mô hình sản xuất của ông đã đem về 300 triệu đồng mỗi tháng, nhờ việc thu vé du khách tham quan và bán đồ ăn, thức uống tại chỗ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Phạm Bích Thủy cho biết: “Mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp huyện Thanh Trì cũng như nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đang phát triển rất mạnh. Các hộ sản xuất kinh doanh đã biết khai thác những giá trị từ du lịch, mở thêm dịch vụ tham quan, hỗ trợ giáo dục. Từ đó giải quyết được vấn đề việc làm, phát triển kinh tế nước nhà. Ngoài ra, các em học sinh cũng có địa điểm mới để học hỏi, trải nghiệm lĩnh vực nông nghiệp, quan sát hình ảnh sản xuất của nông thôn.
Bên cạnh đó, một số mô hình còn có ý nghĩa trong việc tuyên truyền nhận thức về việc bảo vệ môi trường sống. Trong tương lai không xa, khi quận huyện phát triển, các mô hình du lịch nông nghiệp chắc chắn sẽ được nhân rộng với quy mô lớn hơn”.
Nằm trong 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, nông trại nho có diện tích 2,5 ha của anh Vũ Văn Lực tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh phát triển theo phương pháp chăm bón hữu cơ. Tổng cộng anh Lực có 5 khu vườn đang hoạt động, vừa phục vụ nguồn cung cho toàn Thành phố, vừa đón du khách đến tham quan, chụp ảnh. Chưa hết, du khách còn được trải nghiệm hái nho, thưởng thức nho tại vườn, quan sát người nông dân lao động và hòa mình vào không gian yên tĩnh của thiên nhiên.
Cứ đến mùa vụ nho chín, nông trại của anh Lực lại mở cửa đón các du khách đến tham quan. Hàng trăm luống nho sai trĩu, quả tím đỏ, được chăm sóc cẩn thận, thẳng hàng, mang đến cảnh quan bắt mắt. Theo lời kể của nhân viên quản lý tại trang trại, thời điểm nhiều khách nhất là vào những dịp cuối tuần, khách đến rất đông, các bạn trẻ rất thích thú trải nghiệm chụp lại những bức ảnh tại vườn nho.
Bắt đầu đi vào hoạt động và khai thác từ năm 2018 năm đến nay, trang trại nho của anh Lực đang vào vụ mùa thu hoạch thứ 3. Các loại giống chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật, Mỹ, Úc, Trung Quốc,… cùng 20 giống nho khác nhau vẫn đang trong quá trình trồng thử nghiệm. Năm 2019, anh Lực nhận thấy tại Thủ đô còn thiếu những mô hình tham quan trải nghiệm nông nghiệp, từ đó anh mở rộng quy mô sản xuất và mở cửa đón du khách tới tham quan.
Theo anh Lực, hiện tại năng suất và sản lượng nho của nông trại vẫn ở mức rất thấp so với các vùng chuyên canh. Song song với đó là nguồn kinh phí chưa có nhiều để đáp ứng nhu cầu cảnh quan cho khách du lịch. Trong năm 2021, vụ mùa nho của anh Lực đạt khoảng 6 tấn, đem về doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi 5 vườn nho đi vào thu hoạch ổn định, lượng nông sản sẽ đạt năng suất 20 tấn mỗi năm, tức là sẽ thu được khoảng 4 tỷ đồng; cùng với đó, khi hết dịch, vườn nho sẽ mở cửa cho khách thăm quan, mang đến thu nhập cao hơn cho gia đình anh Lực.Anh Vũ Văn Lực cho hay: “Nguồn thu nhập chính hiện tại chiếm đến 90% là bán nho ngay tại chỗ và phụ thuộc rất lớn vào lượng nho đang có trong vườn. Nông trại mở cửa cho đến khi bán hết quả, thời gian hoạt động có thể rơi vào từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng. Có những ngày bán được hơn một tạ nho, đem về doanh thu 20 triệu đồng”.
Hướng đi cho phát triển nông thôn bền vững
Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại địa phương là một trong những mô hình thành công trong thời gian qua. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm năm thành viên với quy mô gần 5ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Với hai vụ thu hoạch trong năm, dự kiến sản lượng nho đạt từ 50 đến 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân. Mô hình vừa tạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.
Theo ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng chương trình nông thôn mới Hà Nội, các làng, xã của Hà Nội cũng mong muốn được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lồng ghép với vùng du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm và chợ đầu mối về nông sản thực phẩm xanh, sạch mang tính bản địa… Đây là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư, hỗ trợ các sản phẩm phát triển du lịch ở nông thôn trên cơ sở đề xuất của ngành du lịch Thủ đô.
Từ các mô hình du lịch nông thôn cho thấy sự gắn kết sản phẩm nông nghiệp với du lịch còn tạo sự phát triển bền vững các vùng nông thôn Hà Nội, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại địa phương, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa, phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi mới gắn với xây dựng nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững./.