Dịch Covid-19 ập đến đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu như là hai năm trước đây, các “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của Thủ đô như Nhà tù Hoả Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam… luôn tấp nập khách tham quan; giờ đây, để phòng, chống dịch Covid-19, những di sản này ở Thủ đô nhiều tháng qua không có bóng khách du lịch.
Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, trước đại dịch Covid-19, Di tích phải đóng cửa, nguồn thu sụt giảm, Di tích buộc phải cắt giảm các hợp đồng. Do đó, hiện nay nguồn lực con người là một trong những khó khăn của đơn vị.
Tương tự, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng không thể đón khách, đường đi mọc rêu, nguồn thu không có.
Nhà hát Múa rối Thăng Long nằm bên hồ Gươm cổ kính, vắng bóng khách du lịch suốt thời gian qua. |
Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng không nằm ngoại lệ. Nằm bên hồ Gươm cổ kính, trước đây, Nhà hát trung bình đón tiếp hơn 1.000 khán giả mỗi ngày, trở thành Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã làm mọi thứ đảo lộn. Gàn 2 năm từ khi có dịch, nguồn thu không có, không biểu diễn, không thu nhập, các nghệ sĩ của Nhà hát phải vất vả xoay xở để trang trải cho cuộc sống. “Dù đã nới lỏng giãn cách, nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với Nhà hát nói riêng và các đơn vị sân khấu nói chung khi khởi động trở lại”, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cũng nhận định, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mọi ngành, mọi nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Liên tục cập nhật để thích ứng
Để kịp thời thích nghi, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách tham quan, du lịch.
Trong đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm đặc thù, đề cao tính trải nghiệm tạo được các bảo tàng, di tích chú trọng thực hiện. Có thể kể đến, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… nhanh chóng xây dựng các tour tham quan online thu ngắn khoảng cách giữa điểm đến với du khách; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thay vì chờ công chúng tìm đến đã chủ động mang sản phẩm văn hóa tới các trường học…
Phó Trưởng Phòng Trưng bày, Truyền thông công chúng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam An Thu Trà cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, Bảo tàng xác định đối tượng khách tiềm năng là các nhóm nhỏ, các gia đình nên tập trung xây dựng các sản phẩm dành cho nhóm đối tượng này, như: Làm nông dân bắt cá dưới suối nhân tạo, tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa truyền thống… hay chủ động đưa hoạt động đến trường học thay vì đợi các trường đưa học sinh tới. Do vận dụng sáng tạo nên trong hai ngày cuối tuần, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vẫn đón được lượng khách ổn tới tham quan, trải nghiệm, dù không nhiều nhưng là con số ý nghĩa trong thời gian này.
Hiện các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, với việc xây dựng các tour Đêm Thiêng liêng là bước đầu của Hỏa Lò nhằm đưa lại cho mọi người tình yêu lịch sử Việt Nam. Hướng của tiếp theo của Hỏa Lò là vẫn tiếp tục triển khai 3 Đêm Thiêng liêng; đồng thời cũng tính đến xây dựng Đêm Thiêng liêng đặc biệt dành cho cả du khách Việt và nước ngoài trải nghiệm mà không cần đến người dẫn. Cùng với đó, tại các trưng bày chuyên đề, Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng tổ chức không gian trưng bày kết hợp với hoạt họa, phục dựng lại các không gian sinh hoạt của người lính, của các tù nhân…; mỗi trưng bày sẽ tạo 1 điểm nhấn tùy theo nội dung thực hiện. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bích Thủy cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành tạo nên thành công của Đêm Thiêng liêng.
Còn Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, mong muốn đưa không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa với các hoạt động văn hóa cả ngày và đêm, có thêm nhiều những sản phẩm phục vụ du khách tham quan, trên cơ sở đó hình thành tuyến phố đi bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào cuối tuần, góp phần phát huy giá trị của di tích gắn liền với đạo học. Buổi ra mắt công nghệ 3D Mapping vừa qua đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách mời, khán giả. Rất nhiều câu chuyện về đạo học được tái dựng qua hình ảnh 3D Mapping.
Hiện các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ví dụ như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI…
Việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trong kỷ nguyên chuyển đổi số như: Công nghệ điện toán đám mây – Cloud Computing, công nghệ Big Data, công nghệ thông minh nhân tạo – AI, công nghệ tương tác 3D, công nghệ thực tế ảo AR/VR, ảnh 3600 tương tác… là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả thực tiễn cao. Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di sản, di tích.
Số hóa đang dần trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ phát triển văn hóa du lịch của di tích và bảo tàng với mục đích hướng đến những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phổ biến và quảng bá giá trị di sản văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Số hóa cũng phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của công chúng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời gắn với nhiệm vụ xây dựng Hà Nội – Thành phố sáng tạo và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
“Ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Ngành cũng đã tham mưu để Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa; tham mưu để Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch 176 thực hiện Chương trình công tác số 06 về Phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu đổi mới các hoạt động và sản phẩm văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích…”, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.
Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn – thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hoá ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
“Ngành Văn hóa Thủ đô mong mỏi tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố; sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cùng các nhà khoa học; sự phối hợp của các cấp, các ngành, cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.