“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa” là câu nói truyền tai về một phiên chợ đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, tới nay vẫn giữ được những nét độc đáo đặc trưng của chợ phiên truyền thống Hà Nội từ thế kỷ 11. Ngày nay, chợ không chỉ thu hút người dân xã Bình Phú mà còn là chợ phiên lớn, và là nét riêng biệt của cả vùng. |
Đây là chợ họp theo phiên diễn ra hằng tháng, vào các ngày: 2, 7, 12, 17, 22, 27 Âm lịch, nhưng dịp cuối năm, người dân xứ Đoài lại háo hức, chờ đợi với một cảm xúc rất riêng để được tới chợ Nủa. |
Tới chợ Nủa, nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi thấy chợ được họp trên một bãi đất trống, dựng lều quán đậm chất thôn quê. |
Chợ chủ yếu bán nông sản, vật nuôi, đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo quần, tăm đũa tre, bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo… Đặc biệt, chợ nổi tiếng với những đồ vật gắn bó với thôn quê. |
Người dân nơi đây ai cũng biết câu “Gái 22, trai 27” – đó là hai phiên chợ cuối năm đặc sắc chỉ có ở chợ Nủa. Cả hai phiên chợ này, các mặt hàng được bày bán không khác nhau nhưng ngày 22 thì đông nữ; còn ngày 27 thì nam nhiều hơn. |
Mỗi phiên chợ Nủa ngày cận Tết có rất nhiều người mua, bán, tạo nên khung cảnh hết sức vui nhộn. Chợ quê bán đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cũng như mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống. |
Gian hàng bán đồ khô, thực phẩm đông người mua bởi cuối năm là dịp các gia đình chuẩn bị đón Tết. Người dân ở đây cho biết, năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng những ngày cuối năm người dân vẫn tranh thủ đi sắm Tết. |
Nhiều người tìm đến Chợ phiên xứ Đoài để mua bán hoặc dạo chơi một vòng cho thỏa nỗi nhớ hương vị quê hương. Người đi chợ ai cũng có ý thức phòng dịch Covid-19, mọi người dân đều đeo khẩu trang khi đến chợ và nơi công cộng. |
Nhờ ý thức chung của cả cộng đồng, chợ quê vẫn diễn ra với những nét độc đáo vốn có với các sản vật của địa phương mỗi dịp Tết đến xuân về, đảm bảo muc tiêu kép “phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội”. |