Ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho biết, việc lựa chọn được phương án kiến trúc tối ưu nhất là một bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án, hướng đến xây dựng một công trình kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, hiện đại, phù hợp với quy hoạch, hài hòa với cảnh quan xung quanh, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của Việt Nam và quốc tế, hiệu quả trong đầu tư, vận hành và bảo trì.
Người dân đến tham quan triển lãm và cho ý kiến đóng góp về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Giang Nam) |
Đồng thời, có được tác phẩm kiến trúc giàu bản sắc văn hóa, xứng đáng là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, văn hiến, văn minh hiện đại trong thời kỳ phát triển mới.
“Phương án Cầu Trần Hưng Đạo là công trình công cộng quy mô lớn không chỉ giải quyết nhu cầu về giao thông mà còn là công trình có ý nghĩa văn hóa, là điểm nhấn trong khu vực lõi đô thị, công trình cầu vượt sông Hồng kết nối khu vực trung tâm và khu vực phát triển mới phía Đông Bắc của Thủ đô” – ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.
Một mô hình thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Giang Nam) |
Đáng chú ý, trong buổi đầu khai mạc triển lãm, khá đông nhà chuyên môn trong và ngoài nước cũng như người dân Thủ đô đến tham quan và cho ý kiến đóng góp đối với các phương án kiến trúc.
Nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn được phương án kiến trúc tối ưu nhất là một bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án, hướng đến xây dựng một công trình kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp quy hoạch, hài hòa cảnh quan.
Ông Nguyễn Minh Cừ, sinh năm 1950, trú tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, bản thân ông biết tới cuộc triển lãm nhờ các thông tin trên đài, báo. Bởi vậy, ngay từ sáng sớm ông đã có mặt để tận mắt thấy các phương án kiến trúc xây dựng cầu được trưng bày; mong muốn góp tiếng nói của mình để giúp Hà Nội tìm ra các phương án cầu phù hợp.
Tại cuộc triển lãm, 3 phương án được Hội đồng thi tuyển lựa chọn giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và một phương án theo hình thức tuyển chọn đã được trưng bày, tham vấn ý kiến cộng đồng. (Ảnh: Giang Nam) |
Theo ông Cừ, các phương án kiến trúc cầu đều ít nhiều có điểm chung là đẹp, hoành tráng, vừa hiện đại, vừa cổ kính, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và văn hóa phương Đông, tương xứng với vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, để tham vấn ý kiến người dân Thủ đô, ttriển lãm sẽ diễn ra từ ngày 1- 31/3. Thời gian mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, buổi sáng từ 8h30 – 11h30; buổi chiều từ 13h30 – 16h30.
Đông đảo người dân đến tham quan triển lãm. (Ảnh: Giang Nam) |
Được biết, dịp này có 3 phương án được Hội đồng thi tuyển lựa chọn giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và một phương án theo hình thức tuyển chọn được Hội đồng thi tuyển trưng bày, tham vấn ý kiến cộng đồng.
Cụ thể, gồm: Giải Nhất là phương án mã số THĐ 12 (DD1188), được thiết kế cầu chính dạng vòm thép; mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp là B=40,66 m, tại trụ cầu B=47,76 m. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Theo thiết kế, cầu gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, 2 làn xe đạp và vỉa hè người đi bộ.
Giải Nhì – phương án mã số THĐ 18 (VT0002), là cầu vòm thép, kết cấu mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu. Thiết kế cầu này gồm 5 nhịp, có chiều dài khoảng 590m; bề rộng mặt cầu khoảng 33m.
Được biết, người dân Thủ đô có thể trực tiếp bỏ phiếu tham vấn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tại Nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Giang Nam) |
Giải Ba – phương án mã số THĐ 07 (TT1228), là cầu dạng dây văng với kết cấu dầm chủ dạng bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu được thiết kế gồm 6 nhịp có chiều dài 844 m; bề rộng mặt cầu chính qua sông đảm bảo 6 làn, bề rộng 38m.
Phương án tuyển chọn được Hội đồng thi tuyển đưa ra là phương án 3 – cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp. Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp sang bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch xây dựng chung của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án đề xuất, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy) với tổng chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5km. Dự kiến, điểm đầu dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm). Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy (Long Biên). Việc Hà Nội định hướng mở cầu Trần Hưng Đạo được nhiều người dân và giới chuyên môn đánh giá cao về tính cấp thiết và khả thi; giúp rút ngắn khoảng cách giữa đôi bờ sông Hồng, tạo điều kiện để người dân lưu thông tiện lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. |