“Đánh thức” tiềm năng du lịch tại các làng cổ

 Trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các khu vực ngoại thành hiện có nhiều làng cổ sở hữu các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc lâu đời, có giá trị tiềm năng phát triển du lịch. Trong bối cảnh dịch Covid-19, để “đánh thức” tiềm năng du lịch, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế nội tại, các làng cổ cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điểm đến an toàn và xây dựng kế hoạch, kịch bản trong mọi tình huống, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch.

Nhiều tiềm năng hút khách

Hà Nội còn nhiều làng cổ ở các khu vực ngoại thành. Điển hình như làng cổ Cự Đà (Thanh Oai) nổi danh với nghề làm tương, làm miến lâu đời, những công trình kiến trúc kiểu Pháp cùng phong cách sinh hoạt, quản lý hành chính theo “lối” phố đầu tiên và duy nhất trên cả nước. Nổi danh không kém và cũng là điểm đến thường xuyên của không ít du khách đam mê “phượt” làng còn phải kể đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

“Đánh thức” tiềm năng du lịch tại các làng cổ
Những ngôi làng cổ ở ngoại thành Hà Nội hiện còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Giang Nam

Làng cổ Đường Lâm hội tụ đầy đủ các yếu tố hấp dẫn để níu chân du khách khi tại đây có 21 di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với các danh nhân, anh hùng dân tộc. Trong làng, còn rất nhiều ngôi nhà cổ được làm bằng đá ong độc đáo, có tuổi đời trên 100 năm. Đáng chú ý, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của một làng quê nông thôn với cây đa, bến nước, sân đình… là địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu.

Ngoài Cự Đà và Đường Lâm, quanh Hà Nội còn có thể kể đến các làng cổ khác như Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), làng Bát Tràng (Gia Lâm), làng Cổ Loa (Đông Anh), làng Cựu (Phú Xuyên), làng Yên Trường (Chương Mỹ)… Tại những địa điểm này, bên cạnh điểm chung là còn lưu giữ được ít nhiều giá trị tiêu biểu về mặt cấu trúc quy hoạch không gian, cảnh quan, công trình kiến trúc độc đáo thì những làng cổ còn mang vốn văn hóa phi vật thể phong phú. Điều này thể hiện ở các điểm như: Lối sống cộng đồng, quan hệ dòng họ, hoạt động lễ hội, truyền thuyết, văn hóa ẩm thực…

Ví dụ, tại làng cổ Đông Ngạc từ bao đời nay luôn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng vào hạng nhất nhì của kinh thành Thăng Long. Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người. Người làng ca ngợi cụ Phan Phu Tiên là người khai khoa, đồng thời lại là Lưỡng triều Tiến sĩ tức là Tiến sĩ của hai Triều là triều Trần và triều hậu Lê. Song về sau nổi lên tên tuổi nhiều gương hiếu học, điển hình là cụ Phạm Quang Trạch.

Có thuyết kể rằng, cụ Trạch chăm học đến mức nhà có vườn cau, cụ ra ngoài vườn đọc sách, cứ đi vòng quanh các cây cau đọc sách mà tất cả các thân cây cau nhẵn bóng do cụ vịn tay vào nhiều quá, ma sát mòn cây. Dẫn như vậy để thấy, nếu khéo léo kết hợp giữa những giá trị hiện tại với những câu chuyện văn hóa, lịch sử… hoàn toàn có thể tạo điểm nhấn tại các điểm du lịch, phục vụ du khách.

Những câu chuyện văn hóa có thể sử dụng để hỗ trợ du lịch như Đông Ngạc vẫn còn nhiều và có nhiều tại các làng cổ. Với những tiềm năng này, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển được các tour du lịch làng cổ. Các tour du lịch làng cổ hoàn toàn có thể có kết nối với nhau để tạo nên một tuyến du lịch hoàn chỉnh, từ đó trở thành những điểm đến lý tưởng cho chính những người Hà Nội và xa hơn là khách du lịch trong nước, quốc tế.

Thích ứng linh hoạt, an toàn

Thực tế, trải qua thăng trầm lịch sử, các làng cổ cũng không tránh khỏi những thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Chẳng hạn, ở làng cổ Cự Đà, dễ nhận thấy nhất hiện nay là tình trạng những ngôi nhà cổ ở Cự Đà đang xuống cấp trầm trọng; nhiều nhà có tuổi đời hàng trăm năm tuổi cũng bị thay thế bởi các công trình cao tầng hiện đại; những lối gạch nghiêng lép vế trước phong trào bê tông hóa đường làng; không gian sinh sống chật chội, nhiều bất tiện…

Bên cạnh những thách thức kể trên, các làng cổ cũng phải đối mặt với câu chuyện phát huy giá trị không thể tách rời với việc bảo đảm lợi ích người dân sinh sống trong đó. Đường Lâm là ví dụ. Trước đây, Đường Lâm phải đối mặt và giải quyết câu chuyện này với muôn vàn bức xúc phát sinh. Tuy nhiên, Sơn Tây đã đặt mục tiêu phát triển du lịch ở Đường Lâm là để mỗi người dân vừa được hưởng lợi từ du lịch, vừa tiếp tục gắn bó với nông nghiệp và ý thức hơn trong việc giữ gìn di sản làng cổ.

Nhờ vậy, những mâu thuẫn trong phát triển và bảo tồn làng cổ dần được xóa mờ. Không ít hộ gia đình đã ý thức hơn việc giữ gìn ngôi nhà cổ để thu hút du khách. Ngoài việc kinh doanh dịch vụ homestay, nhiều hộ dân ở Đường Lâm đã biết kết hợp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch tại các làng cổ
Mô hình du lịch trải nghiệm tại làng cổ ở Đường Lâm. Ảnh: Giang Nam

Hiện tại, dịch Covid-19 khiến khách du lịch đến với làng cổ ở Đường Lâm giảm nhiều, nhưng cũng là “phép thử” để du lịch làng cổ chuyển mình thay đổi, tạo nét mới cho một số điểm đến nhằm hấp dẫn khách nội địa hơn. Để thích ứng, thị xã Sơn Tây đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tạo điểm đến an toàn và xây dựng kế hoạch, kịch bản trong mọi tình huống, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19.

Việc tuyên truyền còn được Sơn Tây thực hiện thông qua việc giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa trên Cổng Thông tin điện tử của thị xã, trên các cơ quan thông tin đại chúng và website du lịch Sơn Tây (dulichsontay.com), Website Làng cổ Đường Lâm (duonglamvillage.com), fanpage “Diễn đàn thị xã Sơn Tây”. Qua đó, giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Sơn Tây.

Mặt khác, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thường xuyên được Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm áp dụng ngay tại khu vực cổng làng như: Trang bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn; niêm yết mã QR Code cũng như bố trí bàn khai báo y tế phục vụ người dân và du khách; tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các đoàn khách tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, giữ khoảng cách an toàn tại các khu vực trong di tích.

Trở lại câu chuyện “đánh thức” tiềm năng du lịch tại các làng cổ ngoại thành Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, để trở thành điểm đến thu hút du khách hay trở thành một tour du lịch hoàn chỉnh, các địa phương nơi có các làng cổ cần có sự kết nối thường xuyên với doanh nghiệp lữ hành. Đặc biệt, phải sớm khắc phục những hạn chế như công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương./.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND (ngày 10/2/2022) về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II/2022): Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.

Giai đoạn 2 (từ quý III/2022): Dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố; triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ. Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sẽ mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trong năm 2022.

Giang Nam

https://laodongthudo.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-tai-cac-lang-co-137049.html