Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn tổng thể nhằm phát triển nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra và nhân dân được hưởng thụ”. Nắm bắt được tinh thần này, dù là huyện ở xa trung tâm Thành phố, có 7/30 xã miền núi là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, song Ba Vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ba Vì đang quan tâm hơn đến việc phát huy bản sắc để thu hút du lịch. Ảnh: Giang Nam |
Cụ thể, về xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, năm 2021, huyện Ba Vì có thêm 9 xã đạt chuẩn và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cụ thể, tính hết năm 2021, huyện Ba Vì có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%) và 1/30 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 của Ba Vì đạt 26.080 tỷ đồng (bằng 79% kế hoạch). Tổng diện tích gieo trồng 3 vụ Đông, Xuân, Mùa là 22.536ha (đạt 101% kế hoạch). Trong đó, tổng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản năm 2021 đạt 9.180 tỷ đồng (đạt 98,9% kế hoạch). Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,2%; hệ số sử dụng đất đạt 2,4 lần và giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 175 triệu đồng/ha.
Toàn huyện Ba Vì có 116 hợp tác xã, trong đó có 102 hợp tác xã đang hoạt động. Huyện có 125 trang trại và đa số đều sản xuất theo quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, tính hết năm 2021, huyện có 20 làng nghề được công nhận và 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đời sống nông dân trên địa bàn Ba Vì ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần (năm 2019 còn 1,43% và năm 2021 còn 0,17%).
Điểm nhấn đáng chú ý, nhiều địa phương trong huyện Ba Vì đã vượt qua được khó khăn nội tại, huy động được sự chung tay của người dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xã Tản Lĩnh là ví dụ. Đây là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Ba Vì cách trung tâm huyện Ba Vì khoảng 14km.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tản Lĩnh đã tập trung phát triển về kinh tế – xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế phát triển khá, đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao, diện mạo nông thôn được đổi mới, tình hình an ninh chính trị được ổn định, trật tự xã hội được giữ vững; phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, để nông thôn mới đi vào thực chất, hàng tuần UBND xã tổ chức hội nghị giao ban, hàng tháng Đảng ủy, UBND xã tổ chức hội nghị Đảng ủy mở rộng tới các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các thôn trên địa bàn xã… để đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tháng, tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân qua đó để có biện pháp chỉ đạo thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Theo tìm hiểu, hiện ở Tản Lĩnh, bên cạnh đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được nâng cao thì tỷ lệ hộ nghèo tại đây cũng được giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018, Tản Lĩnh có 218 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,95%; năm 2019, có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,3%; năm 2020, còn 73 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,83%. Riêng trong năm 2021, xã Tản Lĩnh còn 34 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,83%.
Tương tự, với xã Tản Hồng, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đang được triển khai quyết liệt với sự huy động vào cuộc của nhân dân và các ban ngành, đoàn thể. Theo đó, tháng 12/2014, xã Tản Hồng được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, bên cạnh việc giữ vững các tiêu chí đã đạt, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tản Hồng đã và đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nâng chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2022 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Tản Hồng đã triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng công việc cụ thể, xây dựng kế hoạch hoàn thành các tiêu chí, đồng thời phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tại địa phương này, các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước làng văn hóa, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, tích cực tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên tham gia công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm vào thứ 7 hằng tuần, xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao gắn với mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp.
Từ nguồn xã hội hóa hiện nay toàn bộ các ngõ, xóm của Tản Hồng đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo an toàn. Chỉ tính riêng trong quý I/2022 nhân dân trong xã đã đóng góp, ủng hộ kinh phí được gần 3 tỷ đồng xây dựng các khu di tích và các công trình phúc lợi.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương
Mặc dù, Ba Vì đã đạt được kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới nhưng với đặc thù của huyện miền núi, kinh tế – xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, nên thách thức vẫn ở phía trước. Không khó để thấy khi Ba Vì còn rất thiếu kinh phí để nâng cao chất lượng tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hoá. Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tạo thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá còn gặp những khó khăn nhất định. Đáng chú ý, du lịch, dịch vụ là lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng nhiều năm qua địa phương vẫn chưa khai thác hiệu quả.
Được biết, hiện Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra mục tiêu đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 500-550 tỷ đồng… Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ tăng cường khai thác tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Ba Vì ngày một đồng bộ. Ảnh: Giang Nam |
Cùng với đó là thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; đề xuất Thành phố thu hút đầu tư, phát triển khu du lịch Suối Hai, Cụm di tích lịch sử quốc gia Đền Hạ – Trung – Thượng thành khu du lịch trọng điểm của huyện và Thủ đô; đồng thời phối hợp các đơn vị du lịch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Ba Vì, liên kết các tuyến điểm du lịch trong huyện với các điểm du lịch của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mặt khác, huyện sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ tổ chức quản lý của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút du khách tham quan du lịch Ba Vì…
Ở tương lai gần, Ba Vì sẽ tổ chức khai mạc Mùa Lễ hội du lịch Ba Vì 2022 vào ngày 16/4. Với nhiều sản phẩm du lịch mới như trải nghiệm những nét độc đáo trong văn hóa Mường – Dao Ba Vì; giới thiệu phong tục vác nước đầu xuân của đồng bào Mường; giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc; Thăm quan vườn chè, vườn thuốc nam dân tộc Dao, tại Bản Coốc, xã Minh Quang… hứa hẹn mang những nét tươi mới, sinh động.
Thông qua hoạt động du lịch này giúp tăng cường giao lưu, xúc tiến, mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường và liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của huyện Ba Vì với các địa phương khác trong cả nước.
Trở lại với câu chuyện xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ để đời sống người dân ngày một nâng cao, huyện Ba Vì cần tiếp tục rà soát việc triển khai xây dựng huyện nông thôn mới song hành với nỗ lực xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao. Gắn hơn nữa việc xây dựng nông thôn mới với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng và phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện; một số xã đặc thù thì cần kết hợp giữa nông thôn mới nâng cao với phát triển đô thị và tại các xã vùng núi thì phát triển nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái… đây là những nền tảng cốt lõi, góp phần giúp Ba Vì bứt phá, nâng cao đời sống người dân. /.