Tới dự hội nghị có Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng. Lãnh đạo huyện Gia Lâm chủ trì và trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ có Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền; Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng; Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ |
Tại hội nghị, báo cáo về tình hình CNVCLĐ huyện Gia Lâm 5 tháng đầu năm năm 2022, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 5 cụm công nghiệp với gần 4.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 21.000 lao động. Riêng LĐLĐ huyện hiện quản lý trực tiếp 285 Công đoàn cơ sở với 15.571 đoàn viên/16.415 CNVCLĐ.
Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống; việc chăm sóc, giáo dục con cái có nhiều xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen… của người lao động. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể mà trực tiếp là tổ chức Công đoàn huyện Gia Lâm đã khẩn trương, kịp thời triển khai nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ, san sẻ khó khăn với người lao động.
Đặc biệt, lãnh Huyện ủy – Hội đồng nhân dân – UBND và LĐLĐ huyện Gia Lâm đã dành nhiều thời gian trực tiếp về cơ sở, nắm tình hình, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại các địa phương vùng tâm dịch; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để có các giải pháp đảm bảo việc làm, hỗ trợ đời sống.
“Nhờ thực hiện có hiệu quả việc nắm bắt tình hình quan hệ lao động và có các phương án phòng ngừa nên trong thời gian quan trên địa bàn huyện Gia Lâm không xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn huyện” – Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết.
Lãnh đạo UBND và LĐLĐ huyện Gia Lâm chủ trì hội nghị. |
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đức Thể, hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, đa số công nhân, lao động vẫn còn gặp không ít khó khăn do hệ lụy kéo dài của đại dịch, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu “leo thang” do tác động từ giá xăng, dầu tăng trong khi việc làm, thu nhập không ổn định.
“Nhìn chung tiền lương bình quân của công nhân tại các doanh nghiệp cụm công nghiệp có tăng so với trước đây, tuy nhiên so với cường độ lao động cùng với sự tăng nhanh của giá cả dịch vụ trên thị trường nên đời sống của công nhân lao động, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đa phần người lao động chưa được thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần như vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu …”- ông Nguyễn Đức Thể cho biết.
Với mong muốn truyền tải được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ tới các cấp lãnh đạo, mà trực tiếp là người đứng đầu huyện Gia Lâm để lãnh đạo huyện kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết, trước khi tổ chức hội nghị đối thoại, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã triển khai việc lấy ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã tổng hợp được 28 ý kiến, kiến nghị bằng văn bản và ngay tại hội nghị, đoàn viên, CNVCLĐ đã trực tiếp nêu 16 ý kiến với lãnh đạo huyện Gia Lâm.
Người lao động nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo huyện Gia Lâm. |
Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ huyện Gia Lâm xoay quanh các vấn đề như chế độ, chính sách dành cho người lao động, nhất là tiền lương, thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bồi dưỡng độc hại; về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; về đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ cho người lao động; về an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các khu nhà trọ công nhân nói riêng, trên địa bàn nói chung. Nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan thiết thân tới người lao động đã được Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền trực tiếp giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng.
Trả lời đề xuất của đại biểu đến từ Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Gia Lâm về việc huyện và thành phố Hà Nội sớm có các giải pháp và chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân như được thuê, mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi; để công nhân lao động nói chung, công nhân các cụm công nhân trên địa bàn huyện nói riêng, sớm có điều kiện mua được nhà ở, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, nhà ở cho công nhân lao động ngoại tỉnh là vấn đề được huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm, bởi có an cư, lạc nghiệp thì công nhân mới an tâm, gắn bó, đóng góp hết mình cho doanh nghiệp và cho huyện.
“Hiện tại Gia Lâm mới có Cụm công nghiệp chứ chưa có khu công nghiệp. Với xu hướng phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới, huyện cũng đã có kế hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân ví dụ như ở các xã Cổ Bi, Dương Hà…” – bà Đặng Thị Huyền nói.
Trả lời ý kiến của đại biểu đến từ Công ty Cổ phần Hãng Sơn Đông Á về việc đề nghị Thành phố và huyện sắp xếp, bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Huyền cho biết, hàng năm, huyện Gia Lâm đều giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Gia Lâm là cơ quan thường trực tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm của doanh nghiệp, người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề, có thể liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện để phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người lao động. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Gia Lâm quan tâm đề xuất của doanh nghiệp và có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp cả về nội dung, địa điểm, hình thức sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa thuận tiện cho người lao động đỡ phải đi xa.
Quang cảnh hội nghị |
Ngoài trả lời trực tiếp, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cũng phân công đại diện các ban, ngành, chức năng của huyện Gia Lâm giải đáp, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của người lao động.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cảm ơn, tiếp thu và ghi nhận toàn bộ các ý kiến, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ bao gồm cả ý kiến được nêu trực tiếp cũng như qua tổng hợp của LĐLĐ huyện Gia Lâm.
“Đây đều là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có trọng tâm, gắn với các vấn đề thực tế, liên quan thiết thân đến đoàn viên, người lao động. Với những ý kiến, đề xuất thuộc thẩm quyền của huyện, huyện sẽ quan tâm giải quyết ngay, những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, thẩm quyền cấp trên, huyện sẽ tiếp thu, đề xuất lên cấp trên để giải quyết trong thời gian tới” – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền nhấn mạnh.
Dịp này, lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng đề nghị tổ chức Công đoàn huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp, nhất là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến chính sách pháp luật, vận động CNVCLĐ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Công đoàn cần tiếp tục làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; bảo vệ tốt quyền lợi, chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng mong muốn tổ chức Công đoàn quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên CNVCLĐ phát huy tiềm năng sáng tạo, gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và phát triển kinh tế – xã hội của huyện Gia Lâm và Thủ đô.