Ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó ban Thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, cho biết, từ ngày khai trương (30/4) đến nay đã có trên 90.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trung bình một tuần tuyến phố thu hút từ 10.000 đến 15.000 khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, Phố đi bộ đã đón trên 35.000 lượt khách; trong 2 ngày 4 và 5/6 vừa qua, lượng khách cũng tăng đáng kể với trên 25.000 người.
Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần. |
“Số lượng người dân và du khách tham gia các hoạt động tại không gian Phố đi bộ ngày càng đông. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp Ban tổ chức tuyến phố tiếp tục duy trì và thiết kế thêm các chương trình đặc sắc, hấp dẫn nhằm thu hút người dân, phát triển du lịch, kinh tế đêm…” – ông Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ.
Cũng theo Phó ban Thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, trong thời gian qua, không gian đi bộ đã diễn ra trên 100 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 8 điểm sân khấu chính và các khu vực xung quanh. Các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi, nổi bật có thể kể đến như: hội thi áo dài, thi đánh cờ, nông dân đua tài, chào mừng SEA Games 31, khiêu vũ, nhảy hiện đại.
Các hoạt động như: nặn tò he, trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ truyền thần, bóng bay nghệ thuật… diễn ra đúng kế hoạch, ngày càng được ổn định và nâng cao chất lượng. Đáng chú ý, trong khuôn viên Phố đi bộ, khu vực gian hàng trò chơi, đồ lưu niệm, ẩm thực xứ Đoài hay hoạt động triển lãm hoa lan vừa qua cũng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.
Ngoài ra, theo đánh giá của Ban tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, sau hơn 1 tháng mở cửa, hoạt động của không gian đi bộ cơ bản đáp ứng các yêu cầu về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại và công tác phòng, chống dịch, bám sát Đề án ban đầu, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các sự kiện, các hoạt động diễn ra trong không gian đi bộ được các lực lượng quán triệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đưa du lịch phát triển
Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, còn gọi là trấn Đoài với vị thế đã từng là thủ phủ xứ Đoài xưa, là đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ XV. Trong tâm thức của đa số người Việt, thị xã Sơn Tây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất hai vua”.
Một góc Thành cổ Sơn Tây – địa điểm tổ chức tuyến phố đi bộ. |
Trầm tích văn hóa là nét đặc sắc của vùng đất này với với 244 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có nhiều di tích và di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tiêu biểu như: Đền Và, chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, Văn miếu Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm…
Đáng chú ý, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế – xã hội; Đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch, trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm nhằm phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế đô thị của thị xã.
Trao đổi với Lao động Thủ đô, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết: Mục tiêu mà Sơn Tây luôn bám sát và thực hiện đó là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… tất cả sẽ được cộng hưởng và giao thoa ở trong không gian di tích, di sản của Sơn Tây, đồng thời gắn với không gian phố đi bộ.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn khẳng định, phố đi bộ của Sơn Tây sẽ khác biệt. Phố đi bộ của Sơn Tây sẽ không giống với phố đi bộ ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, không giống với phố đi bộ Bùi Viện của Thành phố Hồ Chí Minh… Ở Hồ Hoàn Kiếm lượng người tham gia đông bởi không gian công cộng ở khu vực trung tâm Thủ đô còn ít. Thế nhưng Sơn Tây lại khác. Sơn Tây nhẹ nhàng, tiềm năng văn hóa nổi trội nên đối tượng mà Sơn Tây hướng tới ở Tuyến phố đi bộ chính là khách du lịch. Đó là người Hà Nội, người các tỉnh lân cận đến Sơn Tây vào dịp cuối tuần.
“Phố đi bộ của Sơn Tây sẽ thu hút người dân và khách du lịch bằng các giá trị văn hóa, bằng không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại” – Bí thư Thị ủy Sơn Tây nhấn mạnh.
Được biết, để tiếp tục thu hút du khách đến với phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào mỗi dịp cuối tuần, Phó ban Thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai thêm chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao khá đặc sắc, hấp dẫn.
Người dân say mê thưởng thức những tiết mục giao lưu văn nghệ tại phố đi bộ. |
Gần đây nhất, vào đầu tháng 7 tới, tại phố đi bộ sẽ diễn ra giải đua thuyền quanh hào Thành cổ. Ban tổ chức tuyến phố cũng sẽ phối hợp với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) đưa các đoàn văn hóa văn nghệ của đơn vị đến giới thiệu, quảng bá về văn hóa các dân tộc tại Phố đi bộ, tạo thêm nhiều màu sắc văn hóa hấp dẫn. Ngoài ra, vào sáng chủ nhật hằng tuần sẽ tiếp tục các hoạt động triển lãm, tổ chức các gian hàng ẩm thực, trưng bày sản phẩm đặc trưng của chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đẩy mạnh thể thao đường phố…
Rõ ràng, sau gần 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ, giao thoa, hòa nhập giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài. Trong bối cảnh hội nhập và quá trình đô thị hóa ngày càng sâu rộng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc xứ Đoài luôn có vai trò hết sức quan trọng. Việc thị xã Sơn Tây triển khai hiệu quả tuyến phố đi bộ ven Thành cổ Sơn Tây đã và đang góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Sơn Tây.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vậy, Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận. Những quần thể văn hóa tiêu biểu, như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây… cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách. Ngoài ra, với điểm nhấn là hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây góp phần tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần. |