Người Hà Nội thưởng trà

Uống trà là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng. Người Hà Nội có cách thưởng trà với những quy tắc cầu kỳ mà tinh tế. Theo thời gian, những tiêu chí cũ có thể được giản lược cho phù hợp với lối sống hiện đại, nhưng nét tinh tế đặc trưng của người Tràng An vẫn có thể cảm nhận một cách rõ ràng, đó là lấy tự nhiên làm gốc…

Ướp trà trong hoa sen.

Cây chè được cho là đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Hùng Vương mà khởi nguồn là Phú Thọ – vùng đất gắn liền với hình ảnh “rừng cọ, đồi chè” thơ mộng. Văn hóa uống trà của người Việt không kiểu cách như người Trung Quốc, cũng không nhuốm màu tôn giáo như người Nhật Bản mà luôn lấy tự nhiên làm gốc. Thưởng trà là sự tìm về những tinh túy của trời đất được kết tinh trong từng lá trà, giọt nước hay hương hoa ướp cùng. Người Việt thưởng trà theo nhiều cách: Độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), và quần ẩm (nhiều người). Việc thưởng trà còn thể hiện nét văn hóa ứng xử cũng như tình cảm, sự trân trọng giữa những người bạn tâm giao, tri kỷ.

Với người Hà Nội, một ấm trà ngon phải hội tụ đủ 5 yếu tố: Nhất thủy (nước), nhì trà (chè), tam bôi (chén), tứ bình (ấm), ngũ quần anh (bạn trà). Yếu tố nước được cho là quan trọng nhất để làm nên ấm trà ngon, bởi chỉ có thứ nước tinh khiết mới giúp trà giữ được hương vị. Người Hà Nội xưa thường pha trà bằng nước mưa hay những giọt sương mai đọng trên lá sen ban sớm. Đun nước cũng là một nghệ thuật khi người pha phải khéo léo đun nước sôi vừa tới. Nhiệt độ cao sẽ làm “cháy” và mất mùi vị của trà. Nếu nhiệt độ không đủ, trà sẽ mất hương vị.

Yếu tố quan trọng thứ hai là chất lượng trà. Người Hà Nội có sự tinh tế riêng khi ướp trà với hoa nhài, cúc, sói, ngâu, sen. Tinh tế và đặc biệt hơn cả vẫn là trà được ướp với những bông sen trồng ở hồ Đầm Trị (phường Quảng An), hồ Đình (phường Quảng Bá) thuộc quận Tây Hồ. Đây là những đầm sen cổ – nơi có chất bùn đặc biệt tạo nên những bông sen với hương thơm thanh thuần, được người sành chọn để ướp trà theo cách đặc biệt.

Sau khi chọn những búp non, lá bánh tẻ rửa sạch, người ta cho trà vào chõ đồ chín, phơi khô; tiếp đó lần lượt rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng cho đến khi hết trà. Cuối cùng, người ta phủ lên trên một lớp giấy bản để hương sen thấm vào trà và không bị ẩm. Ngoài ra, người Hà Nội ngày nay còn duy trì cách ướp trà trong búp sen đương độ tươi nhất và bảo quản trong túi nilon hút chân không. Bằng cách này, trà có thể để được lâu mà vẫn giữ trọn hương thơm.

Khoảng cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, cả nước vừa thoát khỏi thời kỳ bao cấp. Cuộc sống của đa phần người Hà Nội vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Nhà tôi ở trong một khu phố Pháp. Phố xá tuy rộng nhưng các con ngõ đều nhỏ. Qua đoạn ngõ tối là khoảng sân chung sáng bừng, nơi có một bể nước công cộng lớn quanh năm trữ nước cho hơn chục hộ dùng. Mấy chục con người chen chúc trong những căn hộ nhỏ. Nhà tôi ở tầng 2, nơi chỉ có hai gia đình sinh sống, được ngăn cách bởi một khoảng sân vừa là nơi phơi quần áo và tăng gia nuôi gà của mẹ tôi, vừa là sân chơi của tụi trẻ con và cũng là khoảng vườn nhỏ với đủ loại cây do bố tôi trồng. “Khoảng vườn” nhỏ ấy bốn mùa đều có hoa, nào hoa giấy, cầu lửa; nào ngọc trâm, nhài, quỳnh…

Sáng nào bố cũng gọi chị em tôi dậy sớm. Chúng tôi chia nhau quét nhà, cọ cốc chén để bố tôi pha trà. Bố thường “nhờ” tôi hái vài bông hoa nhài ngoài “vườn” để cho vào ấm trà, hoặc đặt trong chiếc đĩa lót rồi úp chiếc chén vừa tráng nước sôi lên cho hương nhài quyện vào. Vừa pha, bố tôi vừa giải thích các công đoạn để có ấm trà ngon. Trong lúc đợi trà ngấm, bố sai tôi chạy sang nhà đối diện gọi bác Xi – một thiếu tá công an về hưu, sang thưởng trà và đàm đạo chuyện thế sự.

Là người nghiện trà nên bố tôi thường uống trà cả ngày, thậm chí cả tối muộn, nhất là khi cây quỳnh chuẩn bị nở hoa. Tối đó, thế nào bố tôi cũng pha một ấm trà thật ngon rồi mời bác Xi và mấy người hàng xóm sang thưởng trà, ngắm hoa quỳnh. Tôi thường xin bố cho thức đợi quỳnh nở, nhưng vì cả ngày chạy nhảy nghịch ngợm nên chỉ 9 – 10h tối là tôi đã không thể chống lại cơn buồn ngủ sầm sập kéo đến. Tôi gối đầu lên đùi mẹ ngủ lúc nào không biết, mặc kệ mọi người cười nói rôm rả hay lũ bạn chạy nhảy xung quanh. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe thấy tiếng cười nói hay trầm trồ thích thú khi bông quỳnh tung mở những cánh đầu tiên.

Sau này lớn lên, nhiều gia đình chuyển khỏi con ngõ nhỏ, lũ chúng tôi mỗi khi gặp lại nhau vẫn nhắc nhớ những kỷ niệm như thế để rồi bần thần nhớ về những ngày cuộc sống thiếu thốn nhưng thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Đôi khi, tôi và lũ bạn vẫn hẹn nhau tại một quán trà đạo trên tầng cao của một khu tập thể, nơi có không gian được trang trí theo kiểu Hà Nội thời bao cấp. Bên những tách trà nhài, trà sen mộc mạc, những thước phim thời thơ ấu lại được “tua” về, mang theo hơi ấm tình thân và hình bóng của những ngày quá vãng…

Trung Nguyên

Người Hà Nội thưởng trà – Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)