Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 211.300 lượt, khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Du khách quốc tế đến Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch của Thủ đô vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Lượng khách du lịch tăng trưởng tốt qua từng tháng, đón được số lượng lớn khách du lịch quốc tế.
Để thu hút khách, ngành du lịch Hà Nội tập trung tổ chức các hoạt động du lịch sôi nổi; chỉ đạo các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch trong năm 2022.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như các loại hình du lịch: văn hóa, trải nghiệm, thể thao, MICE.
Thành phố cũng chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An tại xã Yên Mỹ, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức, mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất…
Hà Nội khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động, thích khám phá; đồng thời khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh-Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ.
Hà Nội cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên kết trong khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ tiến đến khu vực vùng Thủ đô như các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để hình thành các tuyến du lịch như: Chùa Hương-Tam Chúc-Bái Đính, Hồ Gươm-Tràng An-Vịnh Hạ Long, Hà Nội-Lai Châu-Hà Giang, Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La…/.
Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)