Trong suốt những năm qua cô luôn cố gắng tự học, trau dồi kiến thức cho bản thân, tự đổi mới, tự sáng tạo để có thể hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của trường, của ngành giao phó, nổi bật là trong việc xây dựng môi trường lớp học cho trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Mỹ |
Những năm học trước, trường Mầm non B chỉ có hơn 900m2, diện tích chật hẹp, đồ dùng, đồ chơi hạn chế, việc xây dựng môi trường lớp học chỉ dừng lại ở những mảng tường nhựa phải đóng đinh, dễ rách, dễ bị ố màu; góc chơi thì chưa phát huy được tính tích cực của trẻ. Đến năm 2020, trường được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cải tạo và mở rộng gấp 4 lần trước đây. Lớp học rộng rãi nhưng lại đòi hỏi phải xây dựng môi trường mới đáp ứng được thực tiễn đảm bảo tính an toàn, hiện đại, hấp dẫn.
Vì vậy, cô Lệ Mỹ đã ngày đêm nghiên cứu cách cải tạo, xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho trẻ. “Tôi tham khảo trên mạng, các trang thông tin giáo dục, khi nhìn thấy hình ảnh các trường mầm non chất lượng cao hay trường quốc tế tôi cảm thấy rất thích thú. Từ những cái cây, những giá đồ chơi cách điệu, những đồ dùng sáng tạo đều được đồng bộ chất liệu gỗ trông rất hiện đại, ấm áp nhưng năng động.
Tôi thực sự muốn áp dụng ngay về trường mình. Tôi thực sự mong muốn trẻ trường tôi có thể được trải nghiệm, hoạt động vui chơi và học tập trong môi trường như thế. Tuy nhiên để làm được điều đó lại rất khó vì các nơi như thế đều cần đến công thiết kế và vật liệu lại vô cùng đắt đỏ”, cô Lệ Mỹ chia sẻ.
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, LĐLĐ huyện Thanh Trì, Ban Giám hiệu nhà trường chúc mừng cô Nguyễn Thị Lệ Mỹ trong buổi thuyết trình giải thưởng Nhà giáo Thanh Trì tâm huyết, sáng tạo. |
Nhiều suy nghĩ, trăn trở cứ vây lấy cô với mong mỏi làm thế nào để có thể có môi trường học tập tốt nhất cho trẻ? Trong một lần cô tình cờ biết đến chất liệu fomex với những ưu điểm nhẹ, bền, dễ sử dụng trong thiết kế lại an toàn. Cô đã nêu ý tưởng và xin ý kiến của Ban Giám hiệu sử dụng vật liệu này trang trí, cải tạo môi trường lớp học cho trẻ. Được sự đồng tình nhất trí và chỉ đạo của Ban Giám hiệu, cô như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng đi đến cùng ý tưởng tốt đẹp này.
Không chần chừ, cô Lệ Mỹ đã bắt tay ngay vào lên ý tưởng cùng cán bộ, giáo viên nhà trường và thực hiện thi công thí điểm tại lớp A1 do cô phụ trách. Chính tay các cô đã thực hiện từng nhát cắt lên vật liệu để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời cho trẻ.
Nếu như nhìn cô Lệ Mỹ “thi công” công trình sáng tạo này, chắc hẳn nhiều người nghĩ cô là một người thợ… |
Cô Lệ Mỹ tâm sự: “Lúc mới đầu tôi thấy rất khó khăn bởi những nhát cắt còn ngượng nghịu, đôi lúc còn cắt vào tay. Rồi búa rơi, đóng đinh va vào tay, chân là chuyện bình thường. Nhưng tôi cũng không nản, lại nghiên cứu các công cụ hỗ trợ của người thợ mộc, có khi còn cả của thợ cơ khí”.
Nếu như nhìn cô Lệ Mỹ “thi công” công trình sáng tạo này, chắc hẳn nhiều người nghĩ cô là một người thợ, bởi cô có thể sử dụng thành thạo các loại đồ dùng như máy cắt, máy khoan, súng bắn nhiên liệu…
Sau hơn một tuần thi công, lớp A1 như khoác trên mình bộ áo mới hiện đại, sáng tạo, an toàn và hấp dẫn trẻ. Điều này đã tạo một bước đột phá ở trong trường, được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp và phụ huynh ủng hộ.
Nhân rộng mô hình sáng kiến, cô Lệ Mỹ đã cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng nhau thay đổi môi trường lớp học hoàn toàn mới cho trẻ ở các lớp học. Từ việc tự sơn tường, cắt vật liệu, dán đề can vân gỗ tạo nét hiện đại, các cô đã tạo ra nhiều thiết kế đẹp, tư duy, sáng tạo. Mỗi lớp học, mỗi phòng chức năng đều có dấu ấn đóng góp của cô Lệ Mỹ, khiến bản thân cô cảm thấy vui và hạnh phúc.
Từ việc tự sơn tường, cắt vật liệu, dán đề can vân gỗ tạo nét hiện đại, các cô đã tạo ra nhiều thiết kế đẹp, tư duy, sáng tạo. |
“Đôi khi nhìn lại, có những việc mà tôi cảm thấy tưởng chừng như không thể làm được, nhưng vơi lòng yêu nghề, tâm huyêt với nghề cùng với sự ủng hộ của Ban Giám hiệu, tôi đã kết hợp với đồng nghiệp xây dựng được môi trường lớp học cho trẻ.
Các lớp học, phòng chức năng đều được đổi mới hoàn toàn, đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ, hiện đại, sáng tạo lại tiết kiệm, phù hợp và hấp dẫn trẻ. Và đây đã trở thành phong cách riêng mang thương hiệu trường Mầm non B thị trấn Văn Điển, được các cấp sở, cấp huyện đánh giá cao, được rất nhiều các trường bạn trong địa bàn huyện đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm”, cô Lệ Mỹ tự hào cho biết.
Nhận xét về cô Lệ Mỹ, cô Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non B thị trấn Văn Điển nói: “Không chỉ kiến tạo nên môi trường mới đầy màu sắc, cô Lệ Mỹ còn liên tục sáng tạo những đồ dùng, đồ chơi mang tính trí tuệ có ứng dụng các phương pháp tiên tiến như Montessori, Steam…
Bên cạnh đó, cô thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chăm sóc và dạy trẻ. Tâm huyết của cô còn thể hiện qua việc hàng ngày chăm sóc trẻ, những đứa con thân yêu từ những hoạt động nhỏ nhặt, tạo mọi điều kiện để các con được phát triển toàn diện”.
“Trường Mầm non thị trấn Văn Điển – nơi ươm mầm những nhân cách tốt” |
Với tâm huyết, sáng tạo và yêu ngành, yêu nghề, cô Lệ Mỹ thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi công việc. Năm học 2020-2021 cô đạt giải nhất phần thi kỹ năng Công nghệ thông tin dành cho giáo viên lần thứ 5 của huyện Thanh Trì với sản phẩm “Kho học liệu điện tử” ở phần thi thiết kế bài giảng, phần mềm dạy học. Năm học 2015- 2016 cô đạt giải Nhất hội thi “Thiết kế đồ dùng đồ chơi sáng tạo” cấp Thành phố.
Ngoài ra, cô có 3 Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp thành phố và nhiều sáng kiến kinh nghiệm đã được Hội đồng khoa học huyện Thanh Trì công nhận. 14 năm liền cô đều đạt các giải cao trong hội thi giáo viên giỏi cấp trường. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì khen thưởng.
Mỗi lớp học, mỗi phòng chức năng đều có dấu ấn đóng góp của cô Lệ Mỹ |
Vừa qua, với sự tham dự của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, Liên đoàn Lao động, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì và các đồng nghiệp giáo viên, cô Lệ Mỹ đã tự tin trình bày cáo cáo sáng kiến dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” với đề tài “Xây dựng môi trường an toàn, hiện đại, sáng tạo, tiết kiệm cho trẻ ở trường Mầm non B thị trấn Văn Điển”. Sáng kiến nhận được nhiều ủng hộ, khen ngợi của các cấp ngành.
Chia sẻ thêm, cô Lệ Mỹ xúc động nói: “Nhìn ngắm những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười hạnh phúc của của các con hàng ngày dưới mái trường là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo, tâm huyết với nghề sao cho xứng đáng với khẩu hiệu “Trường Mầm non thị trấn Văn Điển – nơi ươm mầm những nhân cách tốt”.
Bảo Thoa
https://laodongthudo.vn/nguoi-kien-tao-moi-truong-cho-noi-uom-mam-nhung-nhan-cach-tot-143924.html