Những màn thể hiện đầy đam mê, nhiệt huyết của thí sinh chuyên nghiệp đã được giới chuyên môn trong, ngoài nước đánh giá, âm nhạc thính phòng nước nhà đang vươn tầm quốc tế.
Những tài năng mới tụ hội
Cuộc thi Âm nhạc mùa thu và cuộc thi Hát thính phòng – nhạc kịch – hợp xướng toàn quốc là hai cuộc thi âm nhạc uy tín do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức. Thí sinh thành công từ hai cuộc thi này đều phát huy được tài năng, trở thành những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp và giảng viên uy tín trong và ngoài nước ở lĩnh vực âm nhạc thính phòng.
Năm nay, hai cuộc thi thu hút được 167 gương mặt, đều đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy số lượng không nhiều nhưng các tài năng trẻ, nghệ sĩ trẻ ở bộ môn piano, violon, hòa tấu nhạc cụ kèn gỗ, kèn đồng và hát thính phòng – nhạc kịch đều hiện diện tại đây.
Đối với bộ môn piano, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Ngô Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đánh giá, lực lượng thí sinh đến từ hai cơ sở đào tạo đầu ngành của Việt Nam là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh khá đồng đều và đã xuất hiện những tài năng mới. Ở bảng lớn tuổi, các thí sinh tiến bộ vượt bậc, chơi được những tác phẩm đòi hỏi phải có tư duy chuẩn mực của trình độ quốc tế. Đặc biệt, những thí sinh đoạt giải cao như Trần Quang Minh, Nguyễn Hoàng Phương Thy, Hồ Thiên Phước, Tạ Khắc Huy… đều đã “chinh chiến” và đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế.
Ở bộ môn violon, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét, ưu điểm vượt bậc của thí sinh là khả năng diễn tấu chuyên nghiệp, hấp dẫn, lôi cuốn, cập nhật với thế giới. Những thí sinh nổi bật là Nguyễn Vũ Trường Giang, Cao Hoàng Lan, Dương Đức Minh, Trương Bảo Anh, Tăng Lạc Kỳ Nam… Phần thi hòa tấu, các nhóm tham gia đều thể hiện trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ khá cao.
Cuộc thi về thanh nhạc có tới 60 thí sinh đua tài. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, thành viên Hội đồng giám khảo nhận định, lần đầu tiên có một cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch ở nước ta mà chất lượng thí sinh tốt như vậy. Ở bảng A (từ 18 đến 23 tuổi), có nhiều giọng ca đầy triển vọng, như Trần Quang Cảnh, Lê Thị Minh Ngọc, Vũ Quang Công. Trong khi ở bảng B (từ 24 tuổi trở lên), hầu hết thí sinh đều là nghệ sĩ, giảng viên đã trưởng thành, chín muồi về giọng hát, tư duy, ngấm tác phẩm. Nổi bật là Nguyễn Thị Hà My, Trần Quốc Đạt, Đỗ Vũ Lan Nhung, Nguyễn Bảo Yến, Nguyễn Trường Linh.
“Các tài năng trẻ âm nhạc thính phòng của Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng theo hướng chuyên nghiệp thế giới”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Ngô Văn Thành nhận xét chung về hai cuộc thi.
Tiếp tục tìm kiếm, đào tạo nghệ sĩ
Đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế, thí sinh Đỗ Vũ Lan Nhung (giải Nhất bảng B thi hát thính phòng – nhạc kịch) chia sẻ bản thân đã học tập được nhiều điều từ cuộc thi lần này. Bởi khi có cơ hội thi tài với các đối thủ mạnh, Lan Nhung đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu để hoàn thiện hơn trên con đường ca hát chuyên nghiệp.
Hai cuộc thi âm nhạc thính phòng lần này có một số thí sinh đã tu nghiệp ở nước ngoài trở về, nhưng qua kết quả đánh giá của Hội đồng giám khảo gồm cả nghệ sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước, cho thấy không có khoảng cách lớn với những người được đào tạo trong nước. Nhiều thí sinh đoạt giải cao ở các bộ môn piano, violon, hát thính phòng – nhạc kịch hoàn toàn được đào tạo trong nước.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng, được học âm nhạc cổ điển, thính phòng ở Việt Nam là “thiên đường”. Bởi hiện nay, có rất nhiều giảng viên âm nhạc hàn lâm của nước ta được đào tạo ở các quốc gia có nền âm nhạc phát triển hàng đầu thế giới. Hơn nữa, chi phí học nhạc tại nước ta thấp hơn so với nhiều quốc gia. Chính vì thế, ngày càng nhiều bạn trẻ được học âm nhạc thính phòng, từ đó kích thích loại hình này phát triển và nâng cao chất lượng.
Là người từng tham gia đào tạo âm nhạc hàn lâm, hiện nay ở cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quang Đông nhận định, từ hai cuộc thi cho thấy, Việt Nam có triển vọng đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng tài năng cho đất nước, góp phần nâng tầm cho nền âm nhạc nước nhà. Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chú trọng nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ biểu diễn loại hình âm nhạc hàn lâm; đặc biệt là quan tâm đến việc thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy được đội ngũ nghệ sĩ tài năng, nhất là các tài năng trẻ âm nhạc thính phòng.
Thụy Du