An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức, nhiều khu vực là đồng trũng nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn, thường xuyên bị mất mùa do úng ngập, nhất là khi lũ rừng đổ về. Những năm gần đây, người dân nơi đây biết tận dụng lợi thế địa phương để khai thác du lịch, nâng cao đời sống. Từ trồng lúa một vụ cho hiệu quả kinh tế thấp, người dân chuyển sang trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người dân trong thôn đã chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng sen được khoảng 10 năm, loại sen trồng chủ yếu là sen hạt. Ảnh: N.Hoa |
Với diện tích khoảng 200ha, những ngày hè cả vùng quê An Phú được bao phủ bởi hương sen thơm ngát màu xanh tươi của lá, màu hồng của hoa và sắc ngà vàng nâu của những đài sen sắp già. Đây là nơi mà mọi người dường như tạm gác lại những bận rộn thường ngày để thức dậy thật sớm, ngắm nhìn những nụ sen hồng, đắm mình trong hương sen bát ngát.
Sen ở An Phú vào mùa muộn hơn những nơi khác, hoa nở đẹp nhất là từ tháng 6 đến tháng 7. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu sen nơi đây bông to đẹp, cho hương thơm. Điểm ấn tượng nhất ở đây là các đầm sen của xã trồng gần dãy núi đá vôi trùng điệp càng tô đậm nét đẹp. Ở những vùng sen khác, thời điểm lý tưởng nhất để ngắm sen là vào sáng sớm nhưng ở An Phú vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày ngắm sen đều đẹp. Sáng sớm, những bông hoa chớm nở, khoe sắc dưới làn nắng nhẹ, khi chiều buông, mặt trời khuất dần sau dãy núi, những đàn chim bay quanh đầm, từng đàn dê thong dong bên cánh đồng sen tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình hiếm nơi nào có được. Với nét đẹp của vùng quê yên bình trong những ngày nắng hè oi ả, hình ảnh đầm sen ở An Phú đã dần lan xa, thu hút đông khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh vào mỗi dịp sen nở rộ.
Phát triển kinh tế du lịch xanh gắn với cây sen
Không chỉ mang đến nét đẹp cho vùng quê nông thôn, đến nay sau hơn 10 năm chuyển đổi mô hình, cây sen đã giúp nông dân nơi đây thoát nghèo, phát triển kinh tế. Là một trong những hộ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang sen, bà Vương Thị May cho biết: “Trồng sen không cần đầu tư quá lớn, thời gian thu hoạch của sen lâu hơn lúa. Ngoài hoa, người trồng thu hoạch lá, hạt sen, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, từ đó mà bà con trong vùng phấn khởi, cùng nhau chuyển đổi, nhân rộng mô hình”.
Từ mô hình trồng sen, đến nay xã An Phú đã trở thành điểm du lịch ở vùng ngoại thành Thủ đô. Chia sẻ về việc kết hợp khai thác du lịch trên chính đầm sen của gia đình, ông Nguyễn Văn Chức (chủ đầm sen Hạnh Chức) cho hay: “Ban đầu chỉ một số hộ trồng, nhận thấy hiệu quả, các hộ trong thôn chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau nhân rộng mô hình. Diện tích đầm rộng, nhiều người đi qua thấy vùng sen bạt ngàn thì dừng lại chụp ảnh. Sau đó, họ rủ bạn bè, người thân tới chụp ảnh rất đông. Nhận thấy tiềm năng, chúng tôi kết hợp một số dịch vụ, đầu tư cầu tre, chòi quán, dựng khu cho thuê trang phục để phục vụ khách tham quan, chụp ảnh. Đến nay, mỗi năm đầm sen thu hút đông khách đến tham quan, chụp ảnh và mua hoa, đài sen tại đầm”.
Vào đúng mùa sen nở, nơi đây thu hút đông khách tới chụp ảnh, mua hoa, đài sen. |
Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tuy nhiên hiện nay người dân vẫn còn một số trăn trở do hoa sen phụ thuộc nhiều vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc của người dân vẫn còn hạn chế. Những năm gần đây, sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất của vụ. Người dân bán sen phụ thuộc vào giá thương lái đưa ra nên chưa cao, đầu ra cho các sản phẩm từ cây sen rất tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn do thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, đầu tư, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều hạn chế. Người dân trong thôn mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm tổ chức mời các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả, hướng tới trồng sen theo các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGap, tìm đầu ra cho thị trường không chỉ trong nước mà có thể xuất khẩu sang nước ngoài để người dân mở rộng diện tích sản xuất.
Đặc biệt, nơi đây đã bước đầu phát triển du lịch tuy nhiên, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Các dịch vụ du lịch chủ yếu mang tính tự phát của hộ dân, quy mô còn nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, để du lịch phát triển rất cần sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cũng như quảng bá sản phẩm thương hiệu sen An Phú, xây dựng các dự án kêu gọi thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch xanh tại các đầm sen.
Chia sẻ về hiệu quả và hướng phát triển cây sen nơi đây gắn với khai thác du lịch, ông Bùi Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú chia sẻ: “Trồng sen thu hoạch được nhiều lần, năng suất cao hơn cấy lúa, tạo thu nhập tốt, đem lại sự phấn khởi cho nhân dân trong vùng, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn đang làm tự phát. Chúng tôi cũng đang trình, xin chuyển đổi 200ha để chuyên trồng sen, khai thác dịch vụ du lịch. Giống sen các hộ đang trồng chỉ cho thu khoảng 3 tháng trong một năm, để tạo sự đa dạng về các loại sen, có thể trồng, sản xuất quanh năm phù hợp với khai thác du lịch, chúng tôi đang triển khai thí nghiệm dự án đưa một số giống sen mới vào trồng như: Sen củ, sen hoa… Một số cán bộ huyện, xã và hộ dân đã được tập huấn, tham quan các mô hình trồng sen ở huyện Mê Linh, ở tỉnh Thừa Thiên Huế… để có thể đưa các giống sen mới về trồng ở địa phương”.