Áo mới cho làng nghề truyền thống

Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống,

Với vai trò và lợi thế riêng, các làng nghề thủ công mỹ nghệ không chỉ giúp người dân lưu giữ và tiếp nối nghề truyền thống của cha ông mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Đây cũng là lĩnh vực mà Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá hướng đến để bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đến thăm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), nhìn những sản phẩm sống động, tinh xảo, hẳn ai cũng ngưỡng mộ và tự hào về những nghệ nhân nơi đây. Hiện làng còn khoảng 100 hộ làm nghề với khoảng hơn 1.000 lao động.

Về làng Hạ Thái, chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Hạ Thái. Bà là một trong những người theo đuổi nghề hơn 40 năm qua. Không khí tại cơ sở sản xuất khoảng 350m2 của bà luôn nhộn nhịp, khẩn trương để hoàn thiện những đơn hàng đã được đặt. Dù dịch Covid-19 xảy ra ảnh hưởng tới một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng hằng tháng gia đình bà vẫn đều đặn có đơn hàng trong nước, vì thế thu nhập cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Nhớ lại thuở mới làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chia sẻ, có thời hai vợ chồng bà đã đạp xe vào phố Hàng Khay để giao hàng. Dần dần khách hàng đặt nhiều thì phải huy động con cháu và chị em trong xóm rồi thuê thêm người trong làng làm. Cứ thế làm nhộn nhịp ngày đêm khiến người dân nơi đây ngày càng khấm khá.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay sơn mài Hạ Thái đang chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng. Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhiều thị trường như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng… Nhiều sản phẩm là hàng mỹ nghệ cao cấp đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình. Năm 2020, Hạ Thái được công nhận là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Nhờ đó, làng nghề được quy hoạch riêng một khu sản xuất với việc thành lập được Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái rộng 12ha, thu hút hơn 100 hộ sản xuất, đồng thời đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ…

“Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai. Có được chốn riêng, người làm nghề thuận lợi trong thực hiện những sản phẩm phức tạp vừa thuận cho việc đầu tư, quảng bá và du khách đến tham quan cũng tiện lợi hơn. Chính việc quy hoạch bài bản đã tạo đà cho làng nghề phát triển”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi phấn khởi.

Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cũng cho biết: “Chúng tôi đang hướng phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp như Bát Tràng. Các xưởng liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho con em trong vùng, đồng thời trang bị kiến thức làm du lịch. Đặc biệt, chuẩn bị cơ sở vật chất để hình thành xưởng nơi có thể hướng dẫn khách du lịch được trải nghiệm làm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài. Để làng nghề phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới cơ sở hạ tầng của làng nghề như các điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, khu vực cho khách du lịch ăn uống, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa của làng nghề”.

Cũng giàu tiềm năng không kém, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã và đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm đặc trưng. Chúng tôi gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan trong làng Phú Vinh tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức dịp SEA Games 31 vừa qua. Khi thấy nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang say sưa giới thiệu những sản phẩm làng nghề cho khách du lịch khiến ai cũng nhận ra “lửa nghề” trong anh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết: “Cơ sở sản xuất mây tre đan của tôi hiện thu hút số lượng người lao động lớn nhất trong vùng. Vì mây tre đan đặc thù chia làm nhiều công đoạn nên số lượng người tham gia sản xuất rất đông. Nếu lượng đặt hàng ổn định, thu nhập mỗi người dân cũng được khoảng 150-200 nghìn/ngày. Với mức sống ở khu vực ngoại thành, thu nhập như vậy tương đối ổn định, giúp họ trang trải cuộc sống”.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Phương Quang giới thiệu sản phẩm làng nghề thủ công cho khách du lịch

Đặc biệt, hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của làng nghề Phú Vinh đã đặt chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Mây, tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây, tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất mây, tre đan của làng nghề Phú Vinh đã gặp phải những khó khăn chung trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do họ chưa chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Để làng nghề phát triển ổn định, bền vững rất cần một sự đột phá trong tư duy, cách làm hay để phát triển và quảng bá sản phẩm.

Với mong muốn phát triển làng nghề, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong làng, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đặc biệt là thay đổi cách quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến sản phẩm làng nghề hơn. Bên cạnh đó, anh cũng tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng.

“Xây dựng thương hiệu không phải là việc làm trong một vài năm mà là cả một quá trình, đòi hỏi mỗi người làm nghề và doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư, kiên trì thì mới thành công. Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, người nào biết tự tìm đến đặt hàng, tôi đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang fanpage và trang web để nhiều người có thể tìm đến dễ dàng hơn. Đặc biệt, tôi cũng tập trung tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội trợ, lễ hội, chương trình OCOP Hà Nội… Càng tham gia nhiều, tiếp xúc với khách hàng càng giúp tôi thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt Chương trình OCOP Hà Nội có bộ tiêu chí chấm sao đã giúp chúng tôi tự hoàn thiện, thay đổi tích cực hệ thống hóa, hợp lý hóa trong quá trình sản xuất để đạt được sao cao trong bộ tiêu trí mà Thành phố đề ra”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết.

Trong những năm qua, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề Thủ đô nói riêng và kinh tế xã hội của Hà Nội nói chung. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, để giúp các hội viên đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức các hội chợ quốc tế như: Hội chợ megashow tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội chợ thủ công mỹ nghệ tại thành phố Frankfurt tại Đức, Hội chợ tại Mỹ, Italia, Nga, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Trung ương đã lựa chọn được 20 bộ sản phẩm đạt 5 sao cho toàn quốc. Trong đó, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội có 4 bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật với lĩnh vực du lịch là đường hướng phát triển hợp lý và cùng có lợi cho cả hai bên.

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Nhìn dưới góc độ văn hóa thì làng nghề sơn mài Hạ Thái hay mây, tre đan Phú Vinh hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một làng nghề truyền thống lâu đời của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Nhìn dưới góc độ kinh tế, những làng nghề của Hà Nội nếu được quy hoạch bài bản sẽ đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế của Thủ đô. Lĩnh vực thủ công mỹ nghệ chính là sự lựa chọn hiệu quả cho hướng phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội. Bởi hàng thủ công truyền thống có thể được ví như biểu tượng văn hóa Thủ đô, là nhân tố quan trọng để hấp dẫn du khách. Xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công truyền thống thông qua việc bán cho khách du lịch sẽ mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Với sự vào cuộc chung tay của các cấp, ngành cũng như sự thay đổi tư duy của các cơ sở sản xuất truyền thống, tin rằng các làng nghề sẽ luôn được duy trì và ổn định sản xuất. Để thông qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân của những làng nghề được kể những câu chuyện về việc gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử cửa hàng trăm năm, hàng ngàn năm đã lưu truyền. Những câu chuyện này đi cùng năm tháng của dòng chảy lịch sử hy vọng sẽ được khai thác đồng hành cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Bài viết: Bùi Minh Phương
Đồ họa: Đức Hà
Coder: Hoàng Anh

https://laodongthudo.vn/modules/frontend/themes/laodongthudo/article_media/143986/page-3.html