Ba Vì bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường

Mặc dù trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mường đứng trước nguy cơ mai một nhưng các thế hệ trẻ yêu bản sắc văn hóa dân tộc Mường của huyện Ba Vì vẫn ngày đêm tham gia các câu lạc bộ cồng chiêng. Đây là nét văn hóa không thể thiếu của người dân tộc Mường, họ đang góp phần bảo tồn và lưu giữ loại hình này cho thế hệ mai sau.

Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tản Lĩnh tham gia biểu diễn tại ngày hội du lịch của huyện Ba Vì.

Âm vang nơi núi rừng

Những ngày cuối của tháng 12, chúng tôi có dịp quay trở lại xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) trong cái lạnh buốt của mùa đông, nhưng các bạn trẻ nơi đây vẫn miệt mài tham gia tập luyện cồng chiêng để biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chị Đinh Thị Khánh Vân ở thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh cho biết, để không mai một văn hóa cồng chiêng, thế hệ trẻ của xã vẫn tham gia vào câu lạc bộ của xã bởi giai điệu, âm thanh của cồng chiêng và ý nghĩa được chị hiểu tường tận. Việc những người trẻ vẫn nhiệt huyết với văn hóa dân tộc cùng chính sách bảo tồn của các cấp chính quyền đang góp phần lưu giữ bản sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Bà Đinh Thị Chính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh chia sẻ, xã Tản Lĩnh cũng đã thành lập được 3 câu lạc bộ cồng chiêng với 62 người tham gia tập luyện và biểu diễn tại các hội nghị và tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa cồng chiêng của đồng bào. Giữa núi rừng, bên cạnh những mái nhà khang trang, hiện đại thì hồn cốt của dân tộc vẫn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét văn hóa đặc trưng, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm…

Rời Tản Lĩnh, chúng tôi có mặt ở xã Minh Quang, một trong những xã xa nhất của huyện Ba Vì đang say mê với việc dạy các bạn trẻ đánh cồng chiêng. Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Lặt (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) cho hay, Minh Quang có các thôn: Lặt, Di, Vip, Cốc Đồng Tâm… có đội cồng chiêng riêng, tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, góp phần giữ gìn nét văn hóa của người Mường. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân cũng tham gia công tác sưu tầm, sáng tác lời cho cồng chiêng bằng tiếng Mường để truyền cho thế hệ trẻ.

Xã Ba Trại cũng là một trong những địa phương có nhiều dân tộc Mường sinh sống, nơi đây, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống. Cồng chiêng tham gia vào tất cả hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con.

Là một trong những thành viên gắn bó với Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng của xã, bà Đinh Thị Nhung ở thôn 5 cho biết, biểu diễn cồng chiêng hát tiếng Mường chủ yếu là phụ nữ và truyền lại cho con cháu. Khi tham gia câu lạc bộ, các thành viên có cơ hội đóng góp, phát huy truyền thống của đồng bào mình.

Câu lạc bộ cồng chiêng của xã Ba Trại đang tập luyện tham gia biểu diễn văn nghệ quần chúng.

Bảo tồn nét văn hóa truyền thống  

Hiện nay, cùng với phát triển kinh tế nâng cao đời sống, người dân tộc Mường ở các xã trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn đang chú trọng bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Theo bà Nguyễn Hồng Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tản Lĩnh, để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn đạt hiệu quả, xã tập trung phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn, nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường.

Trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, nhất là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường; thông qua tiếng nói, trang phục, làn điệu dân ca hát sắc bùa, múa sạp hay cách sử dụng cồng chiêng… truyền cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc Mường.

Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha cho biết, xã đã tổ chức thành công các hội thi “Nói tiếng dân tộc Mường” và “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Hằng năm, các thôn, bản đều tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, thu hút đồng bào tham gia, tạo không khí vui tươi, qua đó, khơi dậy, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến cho biết, qua sự nỗ lực của chính quyền và vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì, tại 7 xã đồng bào dân tộc miền núi, Hội Liên hiệp phụ nữ đã thành lập được 20 câu lạc bộ cồng chiêng với gần 500 hội viên, trong đó thu hút nhiều hội viên trẻ tham gia tập luyện, biểu diễn; phát triển văn hóa đồng bào dân tộc song hành phát triển kinh tế – xã hội, biến giá trị văn hóa thành động lực cho phát triển du lịch, văn hóa của địa phương…

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với nghệ nhân dân gian, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc để tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ để đời sống tinh thần ngày càng phong phú, đủ đầy…

Ngọc Quỳnh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/828277/ba-vi-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-muong