Các đại biểu tham quan trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. |
Không riêng các bác lão thành cách mạng, các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Trại giam tù binh Phú Quốc, các cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 – 1954, nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô… ai nấy đều xúc động khi tham quan trưng bày. Đặc biệt, việc tái hiện hoạt cảnh chào cờ và hát quốc ca mừng Tết Nguyên đán của tù chính trị Nhà tù Hoả Lò cũng khiến các đại biểu lặng người.
Trong chốn ngục tù thiếu thốn, tù chính trị tìm đủ mọi cách để tạo thành những lá cờ Tổ quốc. Cờ được làm từ chiếc chăn chiên Nam Định màu đỏ do nhà tù cấp phát. Dù bị kẻ thù đàn áp, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ thiêng liêng, bởi: Có lá cờ là nuôi thêm hy vọng, niềm tin, và lòng quyết tâm để đánh bại quân thù. Khoảnh khắc đứng dưới lá cờ Tổ quốc, hát vang bài Tiến quân ca cũng là lúc các chiến sĩ được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong chốn lao tù. Kết thúc phần thuyết minh và hoạt cảnh, đại biểu cùng hòa mình vào giai điệu hào hùng của bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao.
Không gian trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” có nhiều điểm nhấn giúp du khách hồi tưởng đến Ngày giải phóng Thủ đô. Khu vực cổng trưng bày là hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ như tinh thần bền bỉ, gan góc chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập, tự do của quân và dân Hà Nội. Tiến sâu vào trong Di tích là tổ hợp hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm trong buổi lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền thờ Hai Bà, năm 1953. Du khách có thể đứng trong tổ hợp để hoà mình vào buổi diễu hành của các nữ sinh kháng chiến Hà Nội. Ngoài ra, hình ảnh người tử tù đang cưa song sắt cống ngầm Nhà tù Hỏa Lò để tổ chức vượt ngục vào đêm Noel ngày 24/12/1951 cũng được phóng to tạo hiệu ứng bắt mắt, ấn tượng.
Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô nguyện chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Biến phố phường thành trận địa, trong suốt 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu “giam chân” địch trong lòng thành phố, quân và dân Thủ đô đã lập nên những chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Những năm 1947 – 1954, những học sinh tham gia kháng chiến chung sức đồng lòng, làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều hình thức như: Treo cờ, bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch sát hại, biểu diễn văn nghệ cổ vũ lòng yêu nước…Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18/5/1948, đồng chí Nguyễn Sỹ Vân, học sinh Trường Chu Văn An và các bạn học là Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Trọng Quang đã dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm, cắm cờ đỏ sao vàng tại Tháp Rùa. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay giữa lòng Hà Nội kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu, đã trở thành sự kiện gây tiếng vang lớn khắp Hà Nội.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, “Ngày về lịch sử” đã không còn xa. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Sau khi tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận trở về. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.
Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội đã kể lại trong Hồi kí của mình: “Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội “sẽ trở về”, lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật: “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây”. Từng đoàn thiếu nữ ôm hoa đổ ra đường tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe. Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả những đàn bướm muôn mầu nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua”.
Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hoàng Diệu để làm lễ chào cờ lịch sử. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Lời kêu gọi, chúc mừng giản dị, gần gũi thân thương của Bác cũng chính là nỗi niềm mong ước, niềm vui hòa cùng khúc hoan ca rộn ràng trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Hà thành.
Phương Bùi