Bánh chưng Tranh Khúc đậm đà hương vị Tết cổ truyền

Cứ đến tháng Chạp hàng năm, người dân làng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tất bật rửa lá dong, vo gạo, đồ đỗ xanh, thái thịt… gói bánh để kịp cho ra lò những chiếc bánh chưng thơm ngon phục vụ thị trường ngày Tết.

Tất bật ngày cận Tết

Những ngày cuối năm bận rộn trong nhịp sống hối hả, tất bật, tạm gác lại cuộc sống bộn bề, người dân trở về với cội nguồn, quê hương để vui Xuân đón Tết bên mâm cơm gia đình. Theo đó những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét luôn có trên bàn thờ gia tiên để dâng cúng lên ông bà tổ tiên, đây là nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Bánh chưng Tranh Khúc đậm đà hương vị Tết cổ truyền
Tại thôn Tranh Khúc, từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng.

Tại thôn Tranh Khúc, từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng. Sân nhà của các hộ gia đình trong thôn dường như có phần chật chội hơn ngày thường bởi những cuộn lá rong, bao gạo trắng, những bó lạt, mâm đậu vàng.

Phải đến làng Tranh Khúc đúng dịp “vào vụ” mới cảm nhận rõ được không khí thiêng liêng của một làng nghề truyền thống. Dịp này, mỗi hộ gia đình cho ra lò khoảng từ 300 – 500 bánh chưng/ ngày, nhà nào nhiều cũng đến 1.000 – 1.200 bánh chưng ngày. Bánh chưng được vận chuyển tiêu thụ ở khu vực phố cổ, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy…

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bánh chưng Đang Thủy, cô Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Bánh chưng Tranh Khúc có 2 loại là bánh chưng vuông và bánh chưng tét, với nhiều kích cỡ khác nhau. Giá cả cũng tùy loại mà phân định. Chiếc bánh cỡ vừa có giá từ 30.000 – 40.000 đồng, bánh to hơn thì khoảng 50.000 – 70.000, có loại lên đến 100.000 – 120.000 đồng tùy theo nhu cầu khách đặt”.

Theo cô Thủy, để làm ra chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu, lá dong phải là lá dong nếp, to bản, đặc biệt không được rách, được rửa sạch, lau khô, để khi gói, vừa tạo được sắc xanh tự nhiên cho vỏ bánh khi luộc chín, bánh sẽ thơm.

Gạo nếp làm bánh chưng phải là gạo nếp cái hoa vàng ở Nam Định, Thái Bình, đậu xanh bóc vỏ, được nấu chín để tạo độ ngậy, thịt lợn ba chỉ thái miếng dày. Khi gói bánh, gạo nếp cho vào ngâm, vo sạch, để ráo nước, rắc thêm chút muối hạt và trộn đều. Đỗ xanh ngâm rửa sạch, đồ chín, thịt lợn ướp thêm hạt tiêu.

Bánh chưng Tranh Khúc đậm đà hương vị Tết cổ truyền
Dịp này, mỗi hộ gia đình cho ra lò khoảng từ 300 – 500 bánh chưng/ngày, nhà nào nhiều lên đến 1.000 – 1.200 bánh chưng ngày.

Khác với các nơi, người dân làng Tranh Khúc không cần dùng khuôn gỗ để gói mà họ gói bánh trực tiếp bằng đôi bàn tay khéo léo, một chiếc bánh chưng vuông vắn 8 góc, có thể được tạo ra chưa đến 30 giây. Sau khi gói, bánh sẽ được luộc khoảng 8 tiếng, sau đó được vớt ra và xếp cho ráo nước. Điểm tạo nên sự riêng biệt cho ngôi làng bánh chưng Tranh Khúc thời điểm cận Tết chính là “ngôi làng không ngủ” bởi lúc nào cũng có người thức canh nồi bánh chưng.

“Những ngày cận Tết, cả gia đình, anh em họ hàng đều bắt tay vào làm việc từ sớm. Không khí tất bật hơn bao giờ hết bởi nhu cầu người dân dịp Tết tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường”, cô Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ thêm.

Gìn giữ “lửa nghề”

Làng Tranh Khúc vốn từ lâu đã nức tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà còn nhiều khách phương xa.

Khi được hỏi về lịch sử, người dân ở đây đều không biết rõ nghề gói bánh chưng xuất hiện từ bao giờ. Cứ từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được giữ gìn qua bao thế hệ, tạo nên bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng. Thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người dân Tranh Khúc đã làm nên những chiếc bánh chưng thơm ngon, mang đi khắp mọi miền. Hiện nay, cả làng Tranh Khúc có khoảng hơn 200 hộ dân làm nghề bánh chưng.

Bánh chưng Tranh Khúc đậm đà hương vị Tết cổ truyền
Bánh chưng được hút chân không phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc đi nước ngoài

Trong ngôi nhà 3 tầng, cô Nguyễn Thị Thu Hạnh (cơ sở sản xuất bánh chưng Hạnh Tuyến) vừa miệt mài gói bánh chưng để kịp nấu giao cho khách vừa kể về nghề mà cô đã dành trọn hơn 20 năm để làm và giữ gìn.

Theo cô Hạnh, nghề làm bánh tuy vất vả nhưng bù lại có nhiều người mua và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ngày nhỏ, cô thường ngồi xem và phụ giúp mẹ, rồi dần dần học được kinh nghiệm gói bánh. Lớn lên, “cái duyên” của nghề truyền thống đã gắn bó với cô nên cô đã tiếp nối nghề của gia đình.

Cô Hạnh chia sẻ: “Mẹ tôi theo nghề gói bánh chưng từ năm 1983, khi tuổi già, không thể tiếp tục làm nên bà đã truyền nghề cho tôi. Sau đó, tôi vẫn luôn giữ nghề truyền thống của gia đình. Nghề gói bánh chưng đã ngấm sâu vào ký ức, tuổi thơ của tôi”.

Làm bánh chưng cũng là nghề truyền thống của gia đình cô Chử Thị Nghị. Sau 25 năm theo nghề, cơ sở sản xuất bánh chưng Nghị Oánh của cô là một trong những địa chỉ uy tín, chất lượng được nhiều người biết đến.

Năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đây được xem như một động lực to lớn để người dân tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề.

Trải qua những thăng trầm của nghề, đến nay nghề truyền thống vẫn được người dân gìn giữ, xây dựng thương hiệu vươn xa hơn. Bên cạnh việc gìn giữ những cách làm bánh truyền thống, ngày nay người dân sử dụng điện để luộc bánh nhưng vẫn đảm bảo độ thơm ngon, an toàn cho bánh.

Chia sẻ rõ hơn về nghề truyền thống của địa phương, bà Lý Thị Thiệp – Trưởng thôn Tranh Khúc cho hay: “Trước đây, người thôn Tranh Khúc luộc bánh chưng bằng than củi nhưng bây giờ chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nghệ luộc bánh này có ưu điểm là người làng nghề bớt mệt nhọc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bánh luộc ra thơm, dẻo. Để phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc đi nước ngoài, người dân đã sử dụng công nghệ hút chân không nhằm kéo dài thời gian bảo quản bánh từ 10-15 ngày”.

Nguyễn Hoài
https://laodongthudo.vn/banh-chung-tranh-khuc-dam-da-huong-vi-tet-co-truyen-151669.html