Bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa

Nhằm đưa sách giáo khoa (SGK) ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024, hiện tại, các nhà xuất bản (NXB) đã và đang nỗ lực hoàn thiện những bước cuối cùng trong công tác phát hành.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có hai đơn vị phát hành SGK chính là NXB Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam liên kết với một số NXB. Qua ghi nhận, SGK tái bản (bao gồm SGK lớp 5, 9, 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ và SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) của NXB Giáo dục Việt Nam đã được phát hành từ tháng 5/2023. Đối với SGK mới (lớp 4, 8, 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018) thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo cũng đã có mặt tại hệ thống cửa hàng trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam.
Bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa
Đến thời điểm hiện tại, các NXB đều rất nỗ lực trong việc phát hành SGK và bảo đảm cung ứng đầy đủ số lượng sách trước năm học mới. Ảnh minh họa: P.T

Trước băn khoăn liệu có lặp lại tình trạng thiếu SGK trước thềm năm học mới như những năm học trước, theo NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ cùng các nhà in đẩy nhanh tiến độ và lên phương án triển khai các giải pháp bổ sung đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ SGK trước khai giảng năm học mới. Hiện tại, NXB Giáo dục Việt Nam đã nắm bắt thông tin từ các địa phương để xây dựng kế hoạch dự kiến nhằm tổ chức in sớm, đồng thời cập nhật thông tin để điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu của địa phương; chỉ đạo các công ty phát hành bám sát, cập nhật sát với nhu cầu của các địa phương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch; chỉ đạo NXB Giáo dục ở các miền tổ chức in gấp, nhập nhanh đối với những kế hoạch phát sinh; các công ty đầu mối điều chuyển sách, cung ứng gấp để giải quyết sớm nhất các điểm nóng (nếu có) bằng mọi phương thức, kể cả bằng đường hàng không. Ngoài ra, tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi tìm mua SGK và các vấn đề có liên quan.

Cũng theo NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị đã tiết giảm lợi nhuận, chi phí trong điều kiện chi phí đầu tư như vật tư, công in vẫn không ngừng tăng và giảm chi phí phát hành (vận chuyển, kho bãi, nhân công…) để có thể giảm giá SGK so với năm học trước từ 4 – 6%, nhằm điều chỉnh giá SGK tiến gần hơn đến mặt bằng chung của thu nhập người tiêu dùng.

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam, số lượng sách dự kiến phát hành được xác định dựa trên căn cứ lựa chọn, phát hành sách lớp 3, 7, 10 năm học 2022 – 2023 và lượng tăng thêm dự trữ 26% số sách lớp 3, 7, 10 đã phát hành năm 2022. Đến thời điểm hiện tại, SGK các lớp 4, 8, 11 đã in và nhập kho đạt 100% sản lượng dự kiến và đã bắt đầu phát hành đến các địa phương. Công ty cũng cam kết nhập kho đầy đủ, đồng bộ sách các lớp 4, 8, 11 để phục vụ kịp thời năm học 2023 – 2024.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đến thời điểm này, các NXB đều rất nỗ lực trong việc phát hành sách và bảo đảm cung ứng đầy đủ số lượng sách trước năm học mới. Đặc biệt, SGK các lớp 4, 8, 11 hiện đã có tại các cửa hàng trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh trong việc mua SGK.

Thời gian nghỉ hè, nhiều gia đình có thói quen mua sắm sách vở và đồ dùng học tập để học sinh tranh thủ xem bài học trước khi vào năm học mới. Do đó, hàng năm, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, chủ đề “sốt” SGK lại rôm rả trên các diễn đàn, mạng xã hội, đặc biệt với các khối lớp lần đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ghi nhận tại nhiều nhà sách trên địa bàn thành phố Hà Nội, những ngày qua không khí rất sôi động. Nhiều học sinh mong muốn sớm mua được bộ sách năm học kế tiếp để có thể tìm hiểu trước nội dung sẽ học trong năm mới. Nhiều “chợ sách” trên mạng cũng được mở ra, giới thiệu với phụ huynh là cung cấp tất cả bộ SGK, từ lớp 1 tới lớp 12.

Mới đây, trên website và fanpage chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam đã có bài viết cảnh báo nguy cơ sách in lậu và cách thức phân biệt sách thật – sách in lậu. Theo NXB Giáo dục Việt Nam, sách in lậu là sách do các cá nhân/đơn vị tự sao chụp hay scan từ các tựa sách thật rồi in lại với nội dung và cách trình bày giống sách thật. Nhiều cuốn sách in lậu không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Do các đối tượng in lậu không phải thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả chi phí bản quyền cho tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ nên chi phí làm sách lậu thấp hơn nhiều so với giá thực tế của cuốn sách. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật.

Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang. Sách in lậu thường in ấn kém chất lượng, sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (ép nhũ, cán mờ…). Để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/phô tô, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến việc phần chữ dù được xử lý lại nhưng quan sát kỹ vẫn thấy bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều (thường là đậm hơn so với sách thật) do dùng máy scan và xử lý lại.

Khi mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, học sinh không được sử dụng những cuốn sách chất lượng, được bảo hộ nguồn gốc. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài. Một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của học sinh. Đây là một trong những lý do quan trọng để người tiêu dùng nói “không” với sách in lậu, sách kém chất lượng.

Phạm Thảo

Bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa (laodongthudo.vn)