Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kiêm Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quyết định của thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quận thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa; Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận, sớm đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa – du lịch của Thủ đô Hà Nội.
– Thành phố vừa có quyết định giao UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện hồ Tây. Quyết định này sẽ có tác động như thế nào trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa – du lịch của Thủ đô, thưa ông?
– Với không gian xanh rộng lớn lên tới 500ha, chu vi hồ rộng 14,8km, khu vực hồ Tây hiện còn gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa.
Xác định rõ những lợi thế có được từ vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định: “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ – du lịch văn hóa của Thủ đô”.
Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngày 10-4-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu này cũng đã được triển khai thực hiện xuyên suốt bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa ẩm thực…, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng; xây dựng quận Tây Hồ ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Cùng với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/QU, việc thành phố vừa có quyết định giao quận Tây Hồ quản lý toàn diện hồ Tây, sẽ tạo ra nền tảng quan trọng để quận Tây Hồ hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa – du lịch, nơi người dân có môi trường sống “xanh” và phát triển theo hướng bền vững.
– Theo Quyết định của UBND thành phố, UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện khu vực hồ Tây trên các lĩnh vực, trong đó có các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí, góp phần tạo thêm những sức hút mới của hồ Tây. Ông có thể chia sẻ thêm về việc triển khai quyết định của thành phố?
– Theo Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND, danh mục kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực quản lý hồ Tây bao gồm: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách bằng phương tiện thủy; sân tập golf trên mặt nước; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; dù lượn…
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận Tây Hồ đang xây dựng đề án tổng thể về quy hoạch quản lý khai thác giá trị của hồ Tây. Dự kiến trong quý II-2024, quận sẽ báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có nội dung liên quan tới việc quản lý các hoạt động văn hóa, du lịch và dịch vụ khu vực hồ Tây đi kèm với những yêu cầu cụ thể về việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, để bảo vệ cảnh quan và môi trường nước hồ Tây, UBND quận đã triển khai việc khảo sát, đánh giá những tác động về môi trường tới hồ Tây, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Tới đây, khi thực hiện cấp phép cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại khu vực hồ Tây, UBND quận cũng sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể, nghiêm ngặt về xử lý nước thải tại khu vực này. Toàn bộ nước phát thải của các hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ phải thu gom và đưa vào nhà máy xử lý, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong việc quản lý và bảo vệ môi trường hồ Tây.
– Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng mong muốn, khi giao trách nhiệm quản lý toàn diện hồ Tây về UBND quận quản lý, cùng với quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ sẽ trở thành một trong những trung tâm văn hóa – du lịch của Thủ đô Hà Nội. Vậy chủ trương này tới đây sẽ được triển khai như thế nào thưa ông?
– Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí Thường trực Thành ủy, cuối tháng 1 vừa qua, quận Tây Hồ đã ra mắt Ban Quản lý hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ. Ban Quản lý hồ Tây có nhiệm vụ tham mưu UBND quận triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 02-QĐ/UBND của UBND thành phố Hà Nội về ban hành “Quy định quản lý và khai thác hồ Tây”.
Ban Quản lý hồ Tây cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, bảo đảm cho việc phát triển bền vững khu vực hồ Tây và vùng phụ cận.
Hiện tại, quận Tây Hồ đang triển khai thực hiện một số đề án để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa – du lịch của Thủ đô. Trong đó, có nhiều đề án liên quan đến việc khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên hồ Tây và vùng phụ cận.
Trong đó, có đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó, phường Bưởi”, tái hiện quy trình làm giấy dó để người dân, du khách được tận mắt chứng kiến, cảm nhận và tham gia vào quy trình này. Quận cũng sẽ triển khai đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”, nhằm nhân rộng và khôi phục những hồ sen Bách Diệp với hương thơm đặc trưng của sen Tây Hồ, góp phần gìn giữ giống sen quý và duy trì nghề ướp trà sen truyền thống tại phường Quảng An…
Quận Tây Hồ cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Hồ gắn với các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội truyền thống, các sản phẩm văn hóa ẩm thực và các khu vui chơi, giải trí; xây dựng, khai thác các tuyến du lịch văn hóa kết hợp đường bộ và đường thủy (hồ Tây), tạo trải nghiệm thú vị thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Tây Hồ… Qua đó góp phần xây dựng quận phát triển xứng tầm với những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất và con người Tây Hồ; góp phần đưa các Nghị quyết của Thành ủy, Quận ủy sớm đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Tây Hồ.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Ly
Bảo đảm phát triển bền vững khu vực hồ Tây và vùng phụ cận (hanoimoi.vn)