Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá: lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề

Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) là làng nhiếp ảnh đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam cho đến nay tự xây dựng được bảo tàng để lưu giữ lại những tư liệu quý, những kỷ vật về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

z4522633007171_da172c2496f39666907f8e7d87a7d156.jpg

Những mẫu máy ảnh cổ của nhiều thương hiệu nổi tiếng được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Từ cái nôi của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

Năm 1892 được chọn làm dấu mốc ra đời của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá. Đến năm 2003, UBND tỉnh Hà Tây (Hà Nội ngày nay), đã ra Quyết định số 918/QĐ-UB, công nhận Danh hiệu làng nghề cho Làng Nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá. Để gìn giữ lại cho thế hệ sau về nghề truyền thống, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2017 bởi chính những người dân trong làng, đặc biệt có sự cố vấn của PGS,TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và bà Veronique Dollfus – chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp. Với diện tích 300 m2, bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá hiện trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và khoảng 150 hiện vật về nghệ thuật nhiếp ảnh.

z4522632799124_251d7f02f3b43018a89f3cf99ca1d3f6.jpg
Không gian giới thiệu về cụ Khánh Ký – “ông tổ” của nghề nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam nói chung.

Tổ nghề nhiếp ảnh của làng Lai Xá là cụ Nguyễn Đình Khánh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Văn Xuân), hiệu là Khánh Ký (1874-1946). Cụ cũng là một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, gồm: Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định. Công lao lớn nhất của cụ Nguyễn Đình Khánh là biến một nghề ngoại nhập thành một nghề truyền thống của làng Lai Xá, và từ đây nghề nhiếp ảnh đã có mặt trên mọi miền đất nước.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ, năm 1890 ở tuổi 16, chàng thanh niên Nguyễn Đình Khánh được chú là Nguyễn Văn Tạo gửi làm giúp việc và học nghề ảnh tại hiệu ảnh Du Chương của người Trung Quốc ở phố Hàng Bồ, Hà Nội. Tròn 18 tuổi, Nguyễn Đình Khánh đã mở hiệu ảnh lấy tên “Khánh Ký” tại phố Hàng Da, Hà Nội, đây là một trong những hiệu ảnh nổi tiếng Hà thành thời bấy giờ. Không chỉ học nghề và mở hiệu ảnh cho riêng mình, thấy nghề nhiếp ảnh có tương lai, Nguyễn Đình Khánh đã về quê và truyền nghề cho những người cùng làng (Tài liệu của làng Lai Xá ghi nhận, Nguyễn Đình Khánh đã có công đào tạo và truyền nghề ảnh cho hơn 80% số nam giới của làng). Từ đó mở ra một thời kỳ hưng thịnh cho làng Lai Xá nói riêng và cho cả nghề nhiếp ảnh Việt Nam nói chung.

Năm 1911, Nguyễn Đình Khánh tới Pháp mở hiệu ảnh với tên “Khánh Ký” tại hải cảng Toulouse, một khu vực sầm uất có đông đảo thợ thuyền, người Việt làm thợ trong các công binh xưởng của Pháp. Hiệu ảnh Khánh Ký đã thành nơi đón tiếp và giúp đỡ kiều bào, học sinh của ta sang Pháp du học hoặc làm ăn sinh sống thời đó. Đặc biệt, trong những ngày đầu đặt chân đến nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ ông chủ của hiệu ảnh Khánh Ký.

Tháng 7/1921, Nguyễn Đình Khánh trở về Việt Nam mở thêm nhiều hiệu ảnh và ông cũng từng có hiệu ảnh ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày 31/5/1946, ông Nguyễn Đình Khánh đã qua đời tại Paris, Pháp.

z4522632866503_1b01dc6e8e4327ce09b9a9e2bdf8f27b.jpg
Những bức ảnh “để đời” của nhiều minh tinh và nghệ sĩ danh tiếng miền Nam xưa do thợ ảnh Lai Xá chụp được trưng bày tại bảo tàng. Ngoài cùng bên trái là tác giả các bức ảnh – ông Đinh Tiến Mậu.

Đến những thành công rực rỡ với nghề

Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá phát triển rực rỡ nhất vào những năm giữa thế kỷ XX. Người Lai Xá đã mở đến hơn 200 hiệu ảnh ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Những thập niên 40-50 của thế kỷ trước, cả Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh người Lai Xá chiếm đến 33, đến cả Sài Gòn, theo ước tính thời điểm này có tới 80% số hiệu ảnh là do người Lai Xá làm chủ. Những hiệu ảnh như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Duy Tân, An Ký, Thịnh Ký, Thiên Nhiên… của làng Lai Xá đã từng vang bóng một thời.

Một chi tiết khá thú vị mà phải đến tận khi đặt chân đến Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá chúng tôi mới biết, đó là có rất nhiều những bức ảnh “để đời” của những minh tinh nổi tiếng, những nghệ sĩ lừng danh của miền Nam những năm 1950-1970 là do thợ ảnh người Lai Xá chụp. Từ những diễn viên điện ảnh đình đám như: Mộng Tuyền, Kiều Chinh, Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Bạch Tuyết, Kim Tuyến… đến những danh ca như: Chế Linh, Giao Linh, Lệ Thu, Trúc Mai, Thanh Lan,… đều chọn thợ ảnh người Lai Xá để gửi niềm tin.

Ở miền Bắc, người Lai Xá luôn tự hào với những người con của làng đã có những đóng góp đáng kể lưu giữ lại những khoảnh đặc biệt của đất nước cũng như của lãnh tụ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vũ Đình Hồng (tức Nguyễn Toan) với rất nhiều bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử vô cùng quý giá gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bác đến thăm bộ đội trực chiến ở một trận địa pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội, Bác thăm bộ đội Hải quân, Bác đọc bia đá ở Côn Sơn, Bác tiếp các anh hùng, dũng sĩ của miền Nam ra,…; Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Hội NSNA Việt Nam, hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh quốc tế FIAP, trưởng thành trong quân đội. Ông đặc biệt đặc biệt có duyên được gặp và chụp nhiều ảnh nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các tác phẩm của ông bao quát nhiều đề tài về bộ đội, về Hà Nội đổi thay, về di sản, về đời sống nông thôn,… Ông có một cuộc triển lãm ảnh riêng năm 1988 và tham gia nhiều triển lãm quốc gia, quốc tế.

z4528171441368_3bd094c5f7c6a572bdd2aea69c627de6.jpg
Thợ ảnh Lai Xá với Bác Hồ và với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo thời gian, từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, kỹ thuật nhiếp ảnh ngày càng thay đổi, công nghệ ảnh trong nước và thế giới đã có những bước đột phá thần tốc, làng Lai Xá vẫn còn nhiều nhà làm ảnh với các hiệu ảnh nổi tiếng như: Sơn Hà, Ngọc Trâm, Đức Lai, Ngọc Quang, Thủ Đô,…

“Điều gì đã làm nên sự khác biệt của thợ ảnh Lai Xá?” – chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Thắng – người đại diện đồng thời phụ trách bảo tàng, ông chia sẻ: Đã là thợ ảnh Lai Xá đều phải biết mọi công đoạn làm nghề từ chụp ảnh, tráng phim, phóng ảnh, sửa ảnh, tô màu, làm giấy ảnh rồi còn phải biết cách pha chế thuốc ảnh cho phù hợp với thời tiết theo từng mùa. Những người thợ ảnh Lai Xá có thể chụp hàng chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết bất lợi mà độ bắt sáng vẫn đều và đẹp, bí quyết này được những người thợ Lai Xá truyền lại cho nhau thông qua hoạt động làm nghề trong suốt hàng vài thập kỷ.

Kỹ thuật quan trọng nhất mà thợ ảnh Lai Xá phải học đó là “Luật ánh sáng”. Trong mỗi một điều kiện thời tiết, một khoảng thời gian trong ngày người thợ ảnh Lai Xá luôn biết cách để chọn “mức ánh sáng” sao cho phù hợp nhất để bức ảnh chụp đã đẹp và trong ngay từ đầu, thêm vào đó kỹ thuật tráng phim và sửa ảnh sẽ cho ra những bức ảnh hoàn hảo.

z4522632940676_12bd89ba1ec37aba5a6498a602cf2622.jpg
Những hình ảnh về Hiệu ảnh Thiên Nhiên của ông Nguyễn Duy Nhiên, người học nghề ảnh của cụ Khánh Ký tại Quảng Châu (Trung Quốc). Người sau đó đã về nước mở hiệu ảnh riêng cả ở Hải Phòng và Sài Gòn.

Và khi chuyện nghề đã trở thành lịch sử

Hơn 6 năm kể từ ngày bảo tàng chính thức mở cửa, mỗi năm đã có hàng nghìn lượt du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, bảo tàng cũng là điểm đến để các lớp học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội đến tìm hiểu và thực tập. Đặc biệt là sinh viên của các trường nghệ thuật. “Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là nơi duy nhất lưu giữ và trưng bày đầy đủ hình ảnh, tư liệu và những kỷ vật đã gắn liền với sự ra đời của nền nhiếp ảnh Việt Nam”, ông Thắng tự hào cho biết.

Cũng theo lời ông Thắng, những hiện vật, kỷ vật gắn liền với lịch sử hơn trăm năm nghề ảnh của người Lai Xá nói riêng và nhệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam nói chung hiện còn rất nhiều, nhưng đều là do các cá nhân, gia đình cất giữ, nếu không làm bảo tàng theo thời gian các hiện vật, kỷ vật sẽ thất lạc hoặc hư hỏng. Từ sau khi bảo tàng đi vào hoạt động, hàng năm liên tục tiếp nhận thêm những hiện vật quý do chính chủ sở hữu hiến tặng, trong đó có những kỷ vật đặc giá trị như chiếc máy ảnh của cụ Khánh Ký và những tấm ảnh do chính tay cụ chụp ra.

Hơn 130 năm đã trôi qua, Làng Nhiếp ảnh Lai Xá tuy có lúc thăng trầm và giờ đây người dân của làng cũng không còn chiếm đa số theo nghề, nhưng với danh tiếng của làng, với niềm tự hào là cái nôi của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Đây là làng nghề nhiếp ảnh duy nhất tại Việt Nam vẫn giữ nghề và phát triển. Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã và sẽ mãi là nơi lưu giữ đẩy đủ nhất những tư liệu, hình ảnh, những kỷ vật về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam./.

Việc cộng đồng tự xây dựng bảo tàng của thôn để tôn vinh giá trị truyền thống của làng thể hiện quyết tâm của cộng đồng bà con ở Lai Xá, nhất là ý chí quyết tâm của lãnh đạo thôn và của các thợ ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng. Đây là một hiện tượng mới, khi người ta đã nhận thức được rõ vai trò của bảo tàng trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống lịch sử, cũng như có thể giúp họ thực hiện một trong những phương cách làm thay đổi cuộc sống, chuyển đổi phương thức kiếm sống của làng. Điều này thực hiện được là rất khó nhưng nếu vượt qua được thì sẽ là một thành công lớn, một kinh nghiệm biến tiềm năng văn hóa thực sự thành động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

https://nguoihanoi.com.vn/bao-tang-nhiep-anh-lai-xa-luu-giu-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-lang-nghe-74233.html