Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, ngày 1/8/2008, huyện Thạch Thất tiếp nhận 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ đó, 3 xã này trở thành một vùng có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện Thạch Thất. Trong đó, đồng bào dân tộc Mường giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của 3 xã.
Diễn tấu chiêng là loại hình văn hóa nghệ thuật quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. |
Nhằm gìn giữ và phát huy những nét đẹp bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc và vui Xuân Giáp Thìn, mới đây, xã Tiến Xuân đã tổ chức Hội thi “Ngày hội văn hóa, ẩm thực các dân tộc xã Tiến Xuân năm 2024”. Hội thi tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân mới, khơi dậy, lưu giữ, quảng bá những nét đẹp văn hóa đời sống, ẩm thực, bản sắc của dân tộc. Đặc biệt là giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nông sản của xã Tiến Xuân.
Ngoài ra, tại lễ hội cũng đã diễn ra những hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Múa hội làng Mường, hòa tấu chiêng Mường, trình diễn trang phục nữ dân tộc Mường, hát múa Hoa đất Mường, vũ điệu kết đoàn… cùng các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắn nỏ.
Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, ẩm thực dân tộc diễn ra trong ngày hội là đợt sinh hoạt quần chúng rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia; giúp tái hiện lại đời sống văn hóa, xã hội và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Đồng thời, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, khơi dậy sức sáng tạo, hăng say trong lao động, sản xuất của cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn.
Tương tự, tại xã Yên Trung, mới đây, cũng tổ chức ngày hội văn hóa văn nghệ, thể thao, ẩm thực dân tộc Mường nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Được biết, đây cũng là năm đầu tiên xã Yên Trung tổ chức hội xuân, hội thi ẩm thực… nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường, góp phần truyền lại cho các thế hệ sau. Tại ngày hội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, trong đó có trò chơi ném còn.
Theo người dân ở đây, trò chơi “ném còn” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt, vừa kết hợp các động tác toàn thân… Đây là trò chơi thu hút nam nữ thanh niên và nhiều người lớn tuổi tham gia, giúp tăng cường giao lưu, đoàn kết, vui vẻ. Cùng với đó, trò chơi “kéo co” thể hiện sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, khéo léo giữa những người trong đội chơi… Bên cạnh các trò chơi dân gian, ngày hội còn có 5 gian hàng trưng bày các món ăn lạ đặc sắc của dân tộc Mường khi tham gia hội thi ẩm thực.
Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Những năm qua, huyện Thạch Thất đã có nhiều chính sách cũng như hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Đồng thời huyện cũng sát sao chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường. Nhận thức, tinh thần đoàn kết, tính tự tôn dân tộc trong nhân dân được nâng cao, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng tích cực tham gia hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Trong đó, diễn tấu chiêng là loại hình văn hóa nghệ thuật quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường từ khi sinh ra đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình, là biểu tượng của dân tộc, mang giá trị rất lớn và được giữ gìn qua các thế hệ. Từ trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hoạt động diễn tấu chiêng của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình bị lắng xuống và mờ nhạt. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, hoạt động diễn tấu chiêng Mường đã được khởi động trở lại và từng bước khôi phục, phát triển.
Những món ăn lạ đặc sắc của dân tộc Mường được giới thiệu đến đông đảo người dân thông qua các ngày hội xuân. |
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn – Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Chiêng và Hát múa dân gian xã Tiến Xuân, là một trong những người dành nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Trong một dịp gặp gỡ, bà Thìn chia sẻ: Câu lạc bộ của xã được thành lập từ năm 2014 với 25 thành viên.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2008, mỗi thôn đều đã thành lập đội chiêng của mình, với 84 thành viên. Ngoài việc các đội tự góp tiền mua sắm bộ chiêng để biểu diễn, huyện Thạch Thất cũng trang bị 17 bộ chiêng cho các thôn của xã Tiến Xuân và mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đánh chiêng cho thành viên của các đội. “Việc thành lập các câu lạc bộ, đội chiêng Mường nhằm mục tiêu duy trì thường xuyên các hoạt động biểu diễn tập thể, truyền tải nghệ thuật biểu diễn chiêng tới thế hệ sau. Như vậy, nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường sẽ không bị quên lãng”, bà Thìn cho biết.
Đặc biệt, những năm qua, bà Thìn đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các em về văn hóa cồng chiêng, về dàn chiêng 12 cái có kích cỡ và âm sắc khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu như chiêng của người Mường huyện Thạch Thất có quai để xách khi biểu diễn thì người Tây Nguyên thường treo trên giá chiêng. Nếu như chiêng của đồng bào Tây Nguyên không có núm thì ngược lại, núm chiêng Mường là vị trí trung tâm để dùi gỗ tiếp xúc với chiêng, ngân lên những âm thanh trầm hùng biến ảo.
“Các học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau, để ngân lên mãi điệu hồn Mường…”, nghệ nhân Bích Thìn bày tỏ.
Văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Cho đến nay, người Mường ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Về văn hóa vật thể có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; về văn hóa phi vật thể có ngôn ngữ, Mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường… |
Kim Tiến
Bảo tồn bản sắc văn hóa Mường ở Thạch Thất (laodongthudo.vn)