Bảo tồn biệt thự cũ: Giữ hồn cốt di sản

Nhắc đến công trình kiến trúc đô thị độc đáo Hà Nội không thể không nói đến các biệt thự Pháp giữa lòng Thủ đô. Những công trình này được đánh giá cao bởi nét giao thoa giữa cổ kính và hiện tại, thể hiện sự nối tiếp của di sản. Đáng nói, thời gian qua, việc bảo tồn gặp nhiều thách thức song Hà Nội vẫn luôn nêu cao tinh thần giữ gìn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc này.

Nỗ lực gìn giữ giá trị gốc

Xung đột giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn hiện hữu. Với những công trình biệt thự Pháp giữa lòng Thủ đô cũng không ngoại lệ. Thực tế, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm, thậm chí phân tách thành các ki-ốt kinh doanh không phải là hiếm gặp.

Bảo tồn biệt thự cũ: Giữ hồn cốt di sản
Cận cảnh ngôi biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo là công trình biệt thự Pháp đầu tiên được thành phố Hà Nội trùng tu, tôn tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France. (Ảnh: Đinh Luyện)

Phải khẳng định, những kiến trúc Pháp còn tồn tại đến nay thì đều có giá trị đặc biệt. Dễ thấy nhất đó là giá trị lịch sử. Nói cách khác, những công trình kiến trúc này đánh dấu một quãng giai đoạn phát triển của Hà Nội. Tại những công trình này, bất kỳ ai khi ghé thăm đều ít nhiều cảm nhận được những giá trị văn hóa giao thoa, đó là nét giao thoa giữa văn hóa Đông – Tây, giữa cũ và mới.

Xác định được giá trị trên nhiều phương diện như kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đô thị và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp đó, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo các công trình này. Dễ thấy, Hà Nội đã tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các biệt thự. Dựa trên số liệu rà soát tháng 6/2022, Hà Nội đã ban hành quyết định, xác lập danh mục gồm 1.216 biệt thự cần quản lý, bảo tồn. Số biệt thự này được phân loại theo nhóm đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Trong đó, Hà Nội chia ra nhóm 1 có 222 biệt thự, nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự.

Ngay sau khi Hà Nội tiến hành phân loại để có phương cách bảo tồn phù hợp, dư luận đã đánh giá cao hoạt động này. Bởi lẽ, đối với các loại di sản thì cần phải tôn trọng tính lịch sử, để khi bảo tồn, sửa chữa, vẫn giữ được nét lịch sử giá trị của di sản văn hóa. Chẳng hạn như biệt thự xây từ thời Pháp thì phải giữ được nét cổ kính của thời Pháp chứ không phải thời… hiện đại. Cho nên, việc phân loại là đặc biệt quan trọng, cần phải cụ thể, tỉ mỉ để đưa ra những phương án bảo tồn hợp lý đối với từng di sản.

Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp tổ chức chọn biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Công trình biệt thự Pháp số 49 phố Trần Hưng Đạo là ví dụ. Đây là một tòa biệt thự 2 tầng, nằm trên khuôn viên khá rộng, với diện tích khoảng 990m2, là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Công trình nằm trong Dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội. Dự án được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France. Tháng 4/2022, quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án.

Sau khi hoàn thành công tác tu bổ, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội. Đây là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc.

Để di sản trở thành nguồn lực phát triển

Quanh câu chuyện bảo tồn công trình biệt thự Pháp số 49 phố Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, căn biệt thự là một trong những công trình xây dựng giai đoạn đầu khi người phương Tây vào Thủ đô. Công trình này nằm trong khuôn viên của khu trung tâm Thủ đô. Qua thời gian, công trình đã trải qua nhiều thay đổi và xuống cấp song bằng sự hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) với thành phố Hà Nội, các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà bảo tồn… đã cùng với Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tiến hành bắt tay vào công tác trùng tu, sửa chữa.

Bảo tồn biệt thự cũ: Giữ hồn cốt di sản
Công tác trùng tu căn biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: Đinh Luyện)

Đáng chú ý, công tác trùng tu căn biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là về màu sắc của công trình. Xét trên nhiều góc độ, việc dư luận quan tâm đến công tác trùng tu căn biệt thự cũng cho thấy người Hà Nội luôn quan tâm đánh giá cao công tác gìn giữ di sản Thủ đô.

Về màu sắc của công trình căn biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, do đây là công trình mẫu về trùng tu biệt thự nên nguyên tắc bảo tồn được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình tu bổ, các chuyên gia đến từ nước Pháp đã tiến hành thám sát công trình khoa học, cẩn trọng để đưa ra giải pháp trùng tu hiệu quả nhất, sát với nguyên bản nhất, từ các đường nét kiến trúc cho đến màu sắc công trình. Trước khi tiến hành công tác bảo tồn, sửa chữa, các chuyên gia đã triển khai các hoạt động đánh giá hiện trạng các lớp vật liệu để làm rõ các yếu tố nguyên gốc phục vụ cho trùng tu.

Rõ ràng, Hà Nội đang có sự quan tâm và những bước đi đúng trong công tác bảo tồn những công trình kiến trúc kiểu Pháp. Ở góc nhìn rộng hơn, điều này phù hợp với sự phát triển và hội nhập thế giới. Bởi tại các quốc gia phát triển, di sản kiến trúc đô thị luôn được hiểu là yếu tố cốt lõi tạo nên hồn cốt của đô thị, mang giá trị to lớn không thể định lượng được. Do đó, việc Hà Nội đẩy mạnh triển khai công tác này cũng cho thấy sự quyết tâm rất lớn để gìn giữ hồn cốt di sản. Về lâu dài, bên cạnh công tác bảo tồn thích ứng, các ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, đủ về những di sản này, từ đó tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn di sản.

Đinh Luyện

https://laodongthudo.vn/bao-ton-biet-thu-cu-giu-hon-cot-di-san-158344.html