Bảo tồn khu phố cổ để gìn giữ cho tương lai

Từ bao đời nay, phố cổ là nơi lưu giữ các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, nhất là nét đẹp cuộc sống hằng ngày, nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân là “kho tàng” văn hóa phi vật thể của bao thế hệ người Hà Nội. Song, đối diện với thời gian và quá trình đô thị hóa, khu phố Cổ luôn có nguy cơ biến dạng, cũng như, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều bất cập. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị là điều mà thành phố Hà Nội, chính quyền quận Hoàn Kiếm và các nhà nghiên cứu còn trăn trở.

“Bảo tàng sống” của thành phố nghìn năm tuổi

Khu Phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… (như: Đền Bạch Mã – là trấn đông của thành Thăng Long; đình thờ tổ nghề: đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đình Tú Thị…) cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (như: Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm…; những lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn, …) đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Bảo tồn khu phố cổ để gìn giữ cho tương lai
Các hoạt động văn hóa, du lịch tại khu phố Cổ luôn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. (Ảnh: Lê Thắm)

Vài năm trở lại đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu Phố cổ cũng được chú trọng thông qua việc khôi phục các lễ hội truyền thống. Các hoạt động bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích do Ban quản lý Phố Cổ quản lý đã thu hút được người dân và du khách quan tâm.

Nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa này, quận Hoàn Kiếm cũng đã triển khai đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân trong khu Phố cổ”, đề án được triển khai bài bản, nghiêm túc. Uỷ ban nhân dân quận đã chỉ đạo xây dựng, triển khai các giải pháp đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hoá và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách quận để tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc khu Phố cổ gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch của quận và Thành phố.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, không thể phủ nhận thành công của các dự án bảo tồn, tôn tạo và chỉnh trang khu Phố Cổ Hà Nội. Đó là kết quả hợp tác hiệu quả giữa chính quyền với cam kết chính trị mang tính chỉ đạo, dẫn dắt, nhà đầu tư với ý thức đóng góp xã hội bên cạnh mục tiêu lợi nhuận vừa phải và người dân với sự tham gia trực tiếp của mình vì lợi ích của cộng đồng.

“Nhiều di tích và không gian đô thị trong khu Phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội” – Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.

Nhằm góp phần mang đến lợi ích hơn nữa cho khu Phố Cổ, Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, những chủ nhân của khu phố hiểu rõ về giá trị và trách nhiệm của chính mình trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu Phố cổ Hà Nội thích ứng với đời sống đương đại mà vẫn thể hiện được bản sắc truyền thống.

Tiếp nối và chuyển giao

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tú Quyên, Đại học Kiến trúc Hà Nội, một trong những khó khăn thách thức lớn nhất của bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ. Điều này có thể kể đến do nằm ở vị trí “đất vàng” tại khu vực trung tâm thành phố nên sức ép, sự quá tải về hạ tầng của quá trình đô thị hóa lên khu Phố cổ cao hơn bất cứ nơi nào.

Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với của khu Phố cổ. Bên cạnh đó vẫn còn không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không được để ý, chăm sóc suốt vài thập niên qua. Đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội cũng phải đối diện với các vấn đề khác của một đô thị lớn trong thời đại hiện nay Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự quá tải, xuống cấp của hạ tầng đô thị. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp từ đó xây dựng các cơ chế phối hợp hành động hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của du lịch phố Cổ với Thủ đô. “Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực phía Bắc đều đến tham quan phố cổ. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế, bởi nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo của Hà Nội, những món ăn ngon nức tiếng. Bên cạnh đó, số ít người dân nơi đây vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Người dân phố cổ cũng có nét văn hóa riêng, từ tập tục đến phong cách sống và đây là điều không nơi nào có được” – ông Trần Trung Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm được khu phố Cổ vẫn đang đối diện nhiều thách thức để có thể khai thác tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có và các mục tiêu phát triển. Đó là dù có nhiều điểm di tích thăm quan, hoạt động văn hóa nhưng chưa được kết nối thành tour chuyên nghiệp. Đặc biệt, công tác quản lý về trật tự đô thị dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa triệt để, hiện tượng đối tượng xấu lừa đảo, chèo kéo, “chặt chém” du khách, quản lý vỉa hè cho khách bộ hành, điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm… vẫn là những nhức nhối từ nhiều năm trở lại đây.

“Di sản khu Phố cổ Hà Nội” có một tiềm năng to lớn cho các hoạt động du lịch khai thác, phát triển nhanh và bền vững, điều này đã và đang được chính quyền, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch triển khai các hoạt động khai thác cho phát triển kinh tế, xã hội. Để phát huy hơn nữa thế mạnh này, cần tiếp tục huy động sự đồng thuận của cộng đồng nhân dân với các chính sách, kế hoạch đúng đắn phù hợp, từ đó góp phần xây dựng khu phố Cổ là “điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn” của du lịch Thủ đô./.

Tuấn Dũng/laodongthudo.vn