Theo Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Hồng, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, được biết đến với những cái tên rất thuần Việt, như: “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong”…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố khảo sát tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Bích Diệp |
Đây là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra nơi đây còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ; 5 thôn trong khu vực di tích làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội của thị xã, trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ.
Thị xã đã tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, phát triển du lịch cho các hộ dân tại di tích, quản lý trật tự xây dựng, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn cho đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch trên địa bàn.
Ngoài ra, thị xã cũng phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại làng cổ về cách làm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai mô hình dịch vụ, du lịch Homestay tới các gia đình có nhà cổ, bước đầu đã có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định.
Thị xã cũng thực hiện triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế cho người dân, thị xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ ở Đường Lâm, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm khai thác hiệu quả các giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Chẳng hạn, thị xã đã triển khai một số dự án như: Bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, làm tương và các sản phẩm từ tương, các sản phẩm bánh kẹo truyền thống như: Kẹo lạc, kẹo dồi…; xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại khu vực cổng làng Mông phụ xã Đường Lâm.
Tại khu vực này, Sơn Tây đã cho trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề, đặc sản của thị xã. Tại điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP khu vực cổng làng Mông Phụ cho đến nay vẫn được vận hành và hoạt động hiệu quả, góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân; tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ, phát triển sản phẩm tại thị trường nội địa.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm luôn được Sơn Tây chú trọng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp quản lý và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, đúng với tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề ra.
Công tác phát triển du lịch di sản, phát huy giá trị di tích được triển khai hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống người dân và cũng là động lực để khơi dậy sức sáng tạo của người dân, tìm tòi, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu của du khách.
Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Đinh Luyện |
Đặc biệt, thị xã Sơn Tây đã có bước tiến và chuyển mình rất tích cực bằng việc quan tâm đầu tư, tổ chức các sự kiện nhằm phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa truyền thống riêng có. Vì thế, trong năm 2022, cơ cấu kinh tế của thị xã đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 48%, riêng 4 tháng đầu năm nay, chiếm tới trên 50%. Tuy nhiên, để phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh của Sơn Tây cần nhiều hơn nữa sự quan tâm đầu tư của Thành phố và sự đồng lòng ủng hộ của người dân.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, mục tiêu mà Sơn Tây luôn bám sát và thực hiện đó là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Về tầm nhìn phát triển du lịch của thị xã Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Trần Anh Tuấn chia sẻ, mục tiêu hướng tới là xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một cực tăng trưởng phía Tây Bắc, một trung tâm lớn về du lịch văn hóa của Thủ đô; lấy các giá trị văn hóa là nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững.
Trở lại với câu chuyện quản lý, khai thác, giữ gìn những giá trị văn hóa khu di tích làng cổ Đường Lâm, mới đây (ngày 10/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Thường trực Thành ủy đi khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Trước sự quan tâm của Thành ủy, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn, thị xã Sơn Tây đã đề xuất, kiến nghị với Thành phố nhiều vấn đề trọng tâm. Chẳng hạn như, đề xuất Thành phố hướng dẫn thị xã thực hiện điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu đô thị ST4; Thị xã cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí, cho phép và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch thị xã Sơn Tây, bao gồm các nội dung: Mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, khu di tích Đền Và, Văn Miếu, thành cổ; xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ…
Khai mạc năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài 2023 Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây thông tin, thị xã vừa triển khai kế hoạch tổ chức khai mạc năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài 2023 và công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Lòng Hồ, xã Kim Sơn và điểm du lịch Khu nghỉ dưỡng Glory Resort, xã Xuân Sơn với mục đích nhằm phát động Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài 2023, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương. Dự kiến, thời gian tổ chức Lễ khai mạc vào ngày 27/5 tại Nhà Văn hóa thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây. |
Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/bao-ton-va-khai-thac-gia-tri-lang-co-duong-lam-155868.html