Bảo vệ “lá phổi xanh” cho Hà Nội: Quyết giữ lại 3.164 hồ, ao

Với mỗi một đô thị, vai trò của hệ thống cây xanh, ao hồ lại càng trở nên quan trọng. Thủ đô Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật này, hệ thống cây xanh, ao, hồ chính là động năng để điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáng buồn là khi nhận thức rõ vấn đề này thì số lượng ao, hồ trên địa bàn Thủ đô đã sụt giảm một cách đáng báo động.

Hồ, ao liên tục bị xâm lấn

Thủ đô Hà Nội được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao, ao, hồ là một trong những mục tiêu bị lấn chiếm, san lấp.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2015, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn.

Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số lượng hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ.

Bảo vệ “lá phổi xanh” cho Hà Nội: Quyết giữ lại 3.164 hồ, ao
Ao, hồ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2. Trên thực tế đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội.

Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 – 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000 m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Điều đáng buồn nữa, đó là tình trạng san lấp ao hồ vẫn đang diễn ra liên tiếp trong những năm gần đây với nhiều mức độ khác nhau. Theo phản ánh của người dân thôn 6 xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hồ Đá Dựng là hồ thủy lợi, phục vụ công tác điều hòa nước tới tiêu, môi trường của xã Tiến Xuân. Thời gian gần đây, hồ liên tục bị xâm lấn, thậm chí bị cắt ngang nguồn lưu thông để làm lối đi ra đảo nổi giữa hồ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hồ Ngòi Cầu Trại vồn nằm giáp ranh giữa quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm. Theo người dân trong khu vực, Hồ Ngòi Cầu Trại vốn dĩ là một đoạn ngòi được lấp dần và trở thành một hồ dài. Hồ nằm giữa chung cư cao cấp Mulberry Lane và khu đô thị Làng Việt kiều châu Âu. Quanh hồ đã được kè cẩn thận cùng với đường nhựa chạy quanh 2/3 chu vi.

Tuy nhiên, hiện nay một nửa hồ đã không còn nước. Hai nửa bị ngăn cách bởi một con đường đất và phế thải. Mặt hồ tiếp giáp khu dân cư khang trang dù có đường và kè vẫn bị lấn chiếm công khai. Mép kè cũ lùi xa mép nước từ 5 – 7 m, trên đó là hàng loạt quán nước vỉa hè, quán cà phê, chòi câu cá, tiệm rửa xe… thoải mái hoạt động.

Còn tại quận Hoàng Mai, trước tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại khu Ðầm Bông rộng khoảng 3,5ha, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã có chỉ đạo giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, xử lý. Chưa biết kết quả thanh tra, kiểm tra ra sao nhưng đến nay tình trạng lấn chiếm trong khu vực vẫn chưa được giải quyết đúng như mong đợi của người dân.

Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu

Cũng cần phải nói rõ, những năm qua thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ các “lá phổi xanh” của Thủ đô như tăng cường nạo vét, và đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy công tác kè hồ.

Đặc biệt, để tiếp tục giữ gìn các “lá phổi xanh” của thành phố, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục các ao, hồ này đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.

UBND các quận, huyện, thị xã thông báo, phổ biến nội dung quyết định này đến UBND các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích. Có thể nói, đây là những chủ trương khá kịp thời của thành phố Hà Nội nhằm giữ gìn những “lá phổi xanh” của Thủ đô.

Nói đến thành phố Hồ Chí Minh là nói đến hệ thống kênh, rạch chằng chịt; nói đến Hà Nội là nói đến đặc ân hệ thống ao, hồ. Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, hệ thống ao, hồ của Thủ đô đã bị san lấp rất nhiều. Do đó, vấn đề của hiện tại, còn ao, hồ nào trên địa bàn thì phải cố giữ bằng được.

Tuấn Dũng

https://laodongthudo.vn/bao-ve-la-phoi-xanh-cho-ha-noi-quyet-giu-lai-3164-ho-ao-153751.html