Vừa qua, sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật, trong đó có việc cho ý kiến xung quanh dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là một trong những dự thảo luật nhận được sự quan tâm của dư luận, vì người tiêu dùng kỳ vọng, tới đây với việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật này sẽ góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ tốt hơn, trong bối cảnh chế tài hiện hành (luật và các văn bản hiện hành) đã không còn phù hợp với dòng chảy của công nghệ, khi buôn bán chủ yếu qua thương mại điện tử và không gian mạng.
Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng lên theo giá xăng, nhưng lại “chần chừ “ giảm khi giá xăng giảm. (Ảnh Đ.Đ) |
Thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/10/2010 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, từ đó đến nay Luật đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý là việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương; mạng lưới các Hội Bảo vệ người tiêu dùng và một số thành tựu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, quyền lợi của người tiêu dùng đã được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch trong mua bán được cải thiện, các đơn vị bán lẻ từng bước xây dựng được thương hiệu của mình thông qua công tác phục vụ và công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế dựa trên nền tảng trực tuyến đã đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi các quy định của pháp luật về vấn đề này chưa kịp điều chỉnh, các chế tài chưa đủ mạnh, nhiều bất cập… đặc biệt là những ứng biến với sự bất thường của nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, vẫn chưa thể hiện được hết quyền và trách nhiệm của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh… chủ yếu là đi hòa giải. Điều này cho thấy, vai trò của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các Hiệp hội, Cục Quản lý cạnh tranh còn mờ nhạt, việc bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế…
Ông Vũ Vinh Phú nêu ví dụ, một trong những vấn đề đang được dư luận băn khoăn đó là, khi giá xăng tăng thì đồng loạt giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo; thế nhưng, khi giá xăng được điều chỉnh giảm xuống thì giá các mặt hàng khác lại “chần chừ”, không giảm theo. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đó, sự điều chỉnh của Nhà nước chưa cho thấy có tác động đến việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng trong thời điểm hiện tại.
“Dù Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng việc thực thi bên dưới chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay, vẫn chưa có các biên bản kiểm tra giá ở các siêu thị, nếu kiểm tra giá ở chợ thì khó vì người ta không niêm yết giá, còn trong siêu thị thì có niêm yết giá, tại sao không kiểm tra? Quan điểm của tôi, nếu các cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình thì cũng phải truy trách nhiệm trong việc để cho giá hàng hóa tự do “nhảy múa”, không thực hiện theo chỉ đạo. Những vấn đề này, khi xây dựng luật cần lưu ý”, ông Phú cho hay.
Cần xử lý từ “gốc”
Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2021, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi, tăng hơn 17% so với năm 2020. Số lượng đơn thư khiếu nại được giải quyết tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là hơn 1.300 vụ việc, tăng 122% so với năm 2019. Các phản ánh, khiếu nại đều liên quan đến các lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân như lĩnh vực thương mại điện tử; hàng không, dịch vụ vận tải và phương tiện vận chuyển.
Trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. |
Với số liệu trên cho thấy, việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi năng lực xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa triệt để. Thực tế cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm bởi một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, chính xác những quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bởi thế, khi dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được đưa ra, nhiều người kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập đang tồn tại.
Luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, khi sửa đổi, Luật cần có những quy định rộng mở hơn về chức năng giải quyết tranh chấp cho các tổ chức không chỉ là các cơ quan Nhà nước như hiện nay, mà có thể quy định quyền cho các tổ chức chính trị xã hội hoặc Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng. Trên cơ sở có thẩm quyền, các tổ chức này sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để quyết định phương án xử lý vi phạm. Thậm chí, cần xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự đối với trường hợp nào tái phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng để mang tính răn đe.
Cùng quan điểm trên, theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phải bảo vệ từ “gốc”, phải kiểm soát chặt từ biên giới, xử lý triệt để hàng lậu, hàng kém chất lượng, khi nhập hàng hóa phải đảm bảo chất lượng thì mới cho nhập. Cùng với đó, phải quản chặt từ khâu sản xuất, chứ không phải là khi người tiêu dùng sử dụng hàng kém chất lượng rồi thì mới đi giải quyết.
“Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng hiện nay đang đặt nặng vấn đề hậu kiểm. Cá nhân, tôi không đồng tình với quan điểm này. Những cái gì “chui vào bụng” nhân dân, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân thì phải chú trọng công tác “tiền kiểm”, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tất nhiên, là phải kiểm nhanh, kiểm chính xác, kiểm không phiền hà doanh nghiệp. Chứ nếu mà “hậu kiểm” thì khác gì “thả gà ra đuổi”. Hãy phòng từ “gốc”, đừng xử lý từ “ngọn”!”, ông Phú bày tỏ. /.