Bảo vệ, phát huy nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu gắn với mục tiêu phát triển bền vững của địa phương

Trong những năm gần đây, phường rối Tế Tiêu cùng với chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu – một “đặc sản” văn hóa của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.

Rối cạn Tế Tiêu là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, hoạt động theo mô hình phường hội, trải qua hàng trăm năm vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Mặc dù đã nhiều lần bị gián đoạn, suy thoái do những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc. nhưng rối cạn Tế Tiêu vẫn được các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng, người dân địa phương gìn giữ, lưu truyền và phát triển.
Rối cạn Tế Tiêu là một trong số rất ít các phường hội rối vẫn cạn còn tồn tại đến ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử của dân tộc. Đặc biệt rối cạn Tế Tiêu là một đại diện tiêu biểu, quý hiếm của nghệ thuật rối cạn còn được lưu giữ và điển hình cho “rối que” – một trong những loại hình rối cổ nhất trong kho tàng Rối cạn Việt Nam.

Các nghệ nhân tạo hình con rối.

Là một loại hình sân khấu dân gian tổng hợp, Rối cạn Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các thành phần khác nhau như: Sân khấu, quân rối, trò và tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại v.v. để có thể tạo thành các tiết mục múa rối hoàn thiện. Trên sân khấu múa rối, con rối vô tri bỗng trở nên có hồn, biến hóa khôn lường nhờ vào tài năng, kỹ xảo của người điều khiển cũng như sự hỗ trợ của âm nhạc, lời thoại, mỹ thuật, ánh sáng sân khấu.
Sân khấu của Phường rối cạn Tế Tiêu có thể được dựng ngoài trời hoặc trong nhà nhưng thường là sân khấu ngoài trời gắn với không gian của làng mạc thôn quê, với thủy đình phường rối hoặc trong điều kiện tối thiểu thì sân khấu được dựng ở những nơi có đủ không gian rộng cho người xem.

Các nghệ nhân phường Rối trong một buổi tập luyện.

Quân rối mộc mạc là sáng tạo của các nghệ sĩ dân gian với nhiều hình tượng nhân vật khác nhau. Các nhân vật rối thường phản ánh cuộc sống hàng ngày của người nông dân Việt Nam, thể hiện tinh thần lạc quan, sự dí dỏm, hoặc là những hình tượng được người dân tôn vinh, thờ phụng như các vị anh hùng dân tộc, các vị thần thánh… Các nhân vật, hình tượng rối trong quá trình phát triển ngày càng trở nên phong phú, với các tạo hình độc đáo nhưng rất quen thuộc, thân thiện, gắn bó khăng khít với thói quen, tình cảm, mỹ cảm của nhân dân. Đặc biệt, nghệ thuật điêu khắc, tạo hình, thẩm mỹ của các nghệ nhân dân gian đã tạo nên nét đặc trưng và tính cách của những con rối vui vẻ, hài hước, đậm chất hồn nhiên, mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Trên sân khấu, những con rối vô tri vô giác bỗng trở nên sông động, biến hóa khôn lường. Sự kết hợp hài hòa của các thành tố nghệ thuật khác nhau như: quân rối, mỹ thuật, âm nhạc, lời thoại… đã tạo nên cho nghệ thuật Rối cạn Tế Tiêu một sức cuốn hút riêng, vừa hư vừa thực, vừa dí dỏm, trữ tình lại vừa hồn nhiên, thơ mộng.
Rối cạn Tế Tiêu là sân khấu dân gian trữ tình và dí dỏm, thể hiện chất lạc quan yêu đời của người lao động, phản ánh sinh động điều kiện tự nhiên và xã hội, những giá trị vật chất và tinh thần của cư dân vùng châu thổ sông Hồng qua chiều dài lịch sử.
Nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu được hình thành ở chốn thôn quê, trong truyền thống đã gắn bó chặt với lễ thức, hội hè, với những hình thức sinh hoạt tinh thần quen thuộc của người nông dân. Họ vừa là tác giả, vừa là đạo diễn đồng thời lại là diễn viên, khán giả của các trò diễn. Với những nội dung cơ bản như phản ánh hoạt động sản xuất nông nghiệp, tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên và các anh hùng dân tộc, lịch sử đấu tranh địa phương và các phong tục tập quán xã hội, các tiết rối mục cạn đã phản ánh sinh động và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần và vật chất của người lao động.

Các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Qua nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu người xem có thể cảm nhận được những sắc thái khác nhau của tinh thần thuần Việt: từ vẻ bình dị, dịu dàng, man mác đồng quê, sự chịu thương chịu khó tần tảo lần hồi của kiếp sống con người, cho tới sự quật cường, anh dũng bảo vệ nơi chôn rau cắt rốn khi hiên trong sáng mà dí dỏm, tin yêu vào cuộc sống, sự chan hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, sự trần tục gần gũi mà huyền ảo… là những giá trị tinht hần được truyền cảm qua rối cạn và thuyết phục người xem. Chính vì vậy, loại hình nghệ thuật này đã gắn bó bao đời nay với người nông dân, với làng quê Việt Nam, góp phần lưu những giá trị đặc sắc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, của văn hóa dân tộc Việt theo cách thức riêng có của loại hình rồi cạn.
Để giúp cho nghệ thuật Rối cạn Tế Tiêu tránh khỏi nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần quảng bá thương hiệu văn hóa địa phương, tiến tới phát huy các giá trị của nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa – kinh tế – xã hội, trong những năm gần đây, phường rối Tế Tiêu cùng với chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu – một “đặc sản” văn hóa của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.

Công Bằng – Ảnh: Linh Tâm / nguoihanoi.com.vn